Vay mượn của Chính phủ Anh lên mức cao kỷ lục

Các khoản vay mượn của Chính phủ Anh trong tháng 2 vừa qua đã tăng mạnh lên mức kỷ lục do các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp nhằm giảm bớt tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế.

Chú thích ảnh
Kiểm đếm đồng bảng Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Văn phòng Thống kê quốc gia (ONS), vay mượn của Chính phủ Anh trong tháng trước đã lên mức kỷ lục - tới 19,1 tỷ bảng Anh (26,6 tỷ USD), cao hơn nhiều so với mức chỉ 1,6 tỷ bảng của cùng kỳ năm 2020, trước khi xảy ra đại dịch.

Trong một tuyên bố, ONS nêu rõ đại dịch COVID-19 đã tác động đáng kể đối với nền kinh tế và các khoản vay, nợ của lĩnh vực công.

Thống kê cho thấy, chính quyền của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã chi 352 tỷ bảng Anh cho các biện pháp khẩn cấp. Hiện tổng số nợ của nước này là 2.130 tỷ bảng Anh, tương đương 97,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). ONS khẳng định đây là mức cao chưa từng thấy tại nước này kể từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước.

Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak nhấn mạnh dịch COVID-19 đã gây ra một trong những cú sốc kinh tế lớn nhất đối với Anh, do đó, chính phủ buộc phải tung gói hỗ trợ lên tới 352 tỷ bảng Anh để bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân. Theo ông, nhiều khả năng chính phủ sẽ tăng thuế trong những năm tới để bù đắp khoản hỗ trợ khẩn cấp. Đầu tháng này, Bộ trưởng Tài chính Sunak cũng đã công bố kế hoạch ngân sách hằng năm, theo đó tăng thuế lợi nhuận của công ty lên 25% vào năm 2023, cao hơn 6% so với mức hiện nay.

Chú thích ảnh
Các cửa hàng tại London, Anh, đóng cửa trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/TTXVN

Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 19/3, Chính phủ Anh thông báo sẽ bán bớt cổ phần của mình trong công ty tín dụng được nhà nước giải cứu NatWest, trước đây được biết đến là Ngân hàng Hoàng gia Scotland. Theo đó, NatWest sẽ trả 1,1 tỷ bảng Anh để mua lại 591 triệu cổ phiếu, qua đó cắt giảm cổ phần của chính phủ từ 61,7% xuống 59,8%.

Trong khi đó, hãng hàng không British Airways cho biết đang cân nhắc bán tòa nhà trụ sở chính của hãng này do các nhân viên đã chuyển sang chế độ làm việc tại nhà trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành. Điều này có nghĩa hãng này cũng sẽ không cần quá nhiều không gian văn phòng.
Việc bán tòa nhà này có thể tạo thêm nguồn tài chính cho British Airways.

Tòa trụ sở chính của British Airways, gần sân bay Heathrow, phía Tây thủ đô London, được hoàn thành vào năm 1998, với chi phí 200 triệu bảng Anh (279 triệu USD).

Trong một tuyên bố, British Airways cho biết nhiều nhân viên của hãng đã quen và ưa thích làm việc tại nhà, do đó, trong tương lai, chính sách của hãng sẽ linh hoạt giữa làm việc tại nhà và văn phòng.
Để sống sót qua đại dịch, British Airways đã cắt giảm chi phí, sa thải trên 10.000 nhân viên, thậm chí tìm cách tạo nguồn thu thông qua việc bán các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng vốn được treo trong các phòng chờ.

Ngọc Hà (TTXVN)
Đại dịch COVID-19 gây sức ép nặng nề đối với nền kinh tế Anh
Đại dịch COVID-19 gây sức ép nặng nề đối với nền kinh tế Anh

Ngày 22/11, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cảnh báo rằng nền kinh tế nước này đang chịu "sức ép lớn" do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ông Sunak đưa ra lời cảnh báo trên trước khi công bố dự thảo chi tiêu chính phủ năm 2021 vào ngày 25/11.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN