Vận động viên Nga chịu thiệt thòi vì 'đòn chính trị' của phương Tây

Giới phân tích cho rằng lệnh cấm Nga tham dự các sự kiện thể thao quốc tế lớn vừa qua của WADA là một hình phạt mang đậm yếu tố chính trị.

Chú thích ảnh
Các vận động viên Nga giành huy chương vàng sau khi thắng trận chung kết khúc côn cầu trên băng  trong khuôn khổ Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang 2018. Ảnh: REUTERS

Tồi tệ hơn, các quyết định chính trị có thể ảnh hưởng tới tương lai của các vận động viên trong sạch – những người mang theo màu cờ sắc áo dân tộc bị tước quyền thi đấu trên các đấu trường thể thao quốc tế.

Trước đó, ngày 9/12, Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) đã cấm Nga tham dự Olympic và một loạt giải thể thao quốc tế trong 4 năm tới sau khi kết luận các vận động viên Nga giả mạo kết quả xét nghiệm doping.

Việc Nga bị cấm tham dự các giải thể thao quốc tế lớn trong 4 năm, đồng nghĩa với việc Nga sẽ không được quyền tham dự Olympic Tokyo 2020 tại Nhật Bản, Olympic mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) và Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) 2022 tại Qatar. Không chỉ vậy, các quan chức Chính phủ Nga cũng không được phép tham dự các sự kiện thể thao lớn. Bên cạnh đó, Nga cũng bị tước quyền đăng cai các giải thể thao quốc tế. 

Sau cuộc họp tại trụ sở Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) tại Thụy Sĩ, người phát ngôn của WADA, James Fitzgerald cho hay Ban lãnh đạo WADA đã hoàn toàn nhất trí đình chỉ tư cách thành viên của Cơ quan phòng chống doping Nga (RUSADA) trong 4 năm. Ban lãnh đạo WADA đã đưa ra lệnh cấm trên sau khi đưa ra kết luận rằng Nga đã cung cấp các bằng chứng giả và xóa những dữ liệu liên quan các vụ kiểm tra doping dương tính.

Với lệnh cấm này, các vận động viên Nga chứng minh không liên quan tới doping sẽ được phép tham gia tranh tài với tư cách là vận động viên trung lập và quốc ca Nga không được vang lên trên sàn đấu quốc tế.

Trong lời kêu gọi mới nhất, người đứng đầu Cơ quan phòng chống doping Mỹ (USADA) Travis Tygart còn đề xuất các lệnh trừng phạt nghiêm khắc hơn, bao gồm lệnh cấm toàn diện lên tất cả vận động viên, thậm chí cả những người chứng minh mình trong sạch.

“Yếu tố chính trị trong việc này là không thể chối cãi”, chuyên gia phân tích các vấn đề toàn cầu Patrick Henningsen nhận định với hãng RT. Ông Henningsen cho rằng tương tự các tổ chức quốc tế khác, WADA đang thiên vị các thành viên phương Tây hơn.

“Động thái này muốn làm Nga bẽ mặt, làm các vận động viên mất tinh thần và gây tổn thương cho Tổng thống Vladimir Putin. Đối với bất kỳ nguyên thủ của bất kỳ quốc gia nào, niềm tự hào quốc gia đều gắn liền với thể thao quốc gia”, chuyên gia Henningsen nhấn mạnh.

Hình ảnh của nước Nga chắc chắn bị ảnh hưởng, đặc biệt trong bối cảnh thông tin đưa ra chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Putin tham gia cuộc họp với các nguyên thủ Đức, Pháp và Ukraine tại thủ đô Paris trong một nỗ lực giải quyết xung đột ở miền Đông Ukraine. 

“Đó là một tin tức xấu đối với sự kiện. Báo chỉ sẽ chỉ tập trung vào vấn đề này mà không phải sự kiện Normandy”, chuyên gia phân tích chính trị Martin McCauley trả lời phỏng vấn hãng RT.

Những vận động viên không dính dáng tới bê bối doping đang bị “mắc kẹt trong cuộc chiến chính trị”. Mặc dù những vận động viên đó được phép thi đấu, nhưng đứng trên bục danh dự mà không mang màu cờ sắc áo của đất nước, không được hát quốc ca, thật là một điều tồi tệ, nhà phân tích McCauley cho hay.

“Khi họ mang huân chương về nhà, nó chỉ mang 90% ý nghĩa, vì những vận động viên khác thi đấu có quốc ca vang lên, họ có khoảnh khắc chiến thắng. Trong khi đó, những vận động viên Nga thì bị tước quyền”.

Người đứng đầu Cơ quan phòng chống doping Nga (RUSADA) - ông Yury Ganus ngày 9/12 thừa nhận Moskva "không có cơ hội" kháng cáo thành công lệnh cấm mà WADA vừa ban hành.

Phát biểu với báo giới, người đứng đầu RUSADA khẳng định: "Không có cơ hội nào để giành chiến thắng nếu kháng cáo", mặc dù ban điều hành RUSADA cũng đã lên kế hoạch sẽ nhóm họp vào ngày 19/12 tới để đưa ra quyết định về việc có kháng cáo lệnh cấm của WADA hay không. Ông Yury Ganus nhận định lệnh cấm của WADA rõ ràng là một tấn bi kịch đối với các vận động viên trong sạch của Nga, khi "quyền lợi của các vận động viên này bị hạn chế".

Theo ông Ganus, các vận động viên Nga đang trải qua những cảm xúc "khủng khiếp" do 4 năm bị đình chỉ thi đấu là một quãng thời gian quá dài đối với một vận động viên. Một số vận động viên Nga thậm chí đã dự tính sẽ rời quê hương để có thể được tiếp tục theo đuổi sự nghiệp thể thao.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Nga thừa nhận không thể kháng cáo thành công lệnh cấm liên quan doping
Nga thừa nhận không thể kháng cáo thành công lệnh cấm liên quan doping

Người đứng đầu Cơ quan phòng chống doping Nga (RUSADA) - ông Yury Ganus ngày 9/12 thừa nhận Moskva "không có cơ hội" kháng cáo thành công lệnh cấm mà Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) vừa ban hành, theo đó cấm nước này tham dự Olympic và một loạt giải thể thao quốc tế trong 4 năm tới, sau khi kết luận Moskva giả mạo các kết quả xét nghiệm doping.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN