Theo CNBC, các nhà khoa học tại Pfizer và Moderna đang tìm cách sử dụng công nghệ mRNA để chế tạo vaccine đại trà chống virus cúm.
Ông Pirada Suphaphiphat, Phó chủ tịch nghiên cứu tại Pfizer cho biết: “Vaccine mRNA mang lại tiềm năng sản xuất vaccine cúm hiệu lực cao hơn, nhanh hơn so với vaccine cúm hiện tại”.
Vào năm 2020, số ca mắc bệnh cúm đã giảm đáng kể, chủ yếu nhờ các biện pháp phòng COVID-19. Nhưng vào mùa đông năm nay, các ca nhiễm cúm và nhập viện tiếp tục gia tăng, đặc biệt là ở các bang miền đông và miền trung nước Mỹ.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo chủng ngừa cúm hàng năm là cách tốt nhất để tránh mắc cúm và biến chứng nặng. Tuy nhiên, đã có dấu hiệu cho thấy tỷ lệ tiêm phòng cúm trong mùa này thấp hơn so với năm ngoái.
Mặc dù mỗi năm có một loại virus cúm chiếm ưu thế ở Bắc Mỹ nhưng vẫn có mũi tiêm 4 trong 1 để chống lại cả 3 chủng cúm khác khi virus đột biến từ từng tháng.
Vaccine cúm loại này chỉ hiệu quả từ 40% đến 60% trong việc ngăn ngừa nhiễm và đôi khi vào cuối mùa cúm chỉ có hiệu quả 10%. Vaccine cúm thông thường được chế tạo dựa trên trứng gà hoặc tế bào động vật có vú và cũng mất khoảng sáu tháng để sản xuất hàng triệu liều cần thiết.
Ngược lại, việc sản xuất vaccine cúm dựa trên công nghệ nRNA rất linh hoạt, thời gian sản xuất nhanh chóng, độ tin cậy cao hơn và mang lại cơ hội tiềm năng để nâng cao hiệu quả của vaccine cúm hiện tại.
Hàng năm, có khoảng 10 loại virus khiến người mắc phải nhập viện. Trong số đó virus cúm phổ biến nhất
Vào tháng 9/2021, Pfizer đã thông báo về việc bắt đầu thử nghiệm vaccine cúm công nghệ mRNA trên người giai đoạn 1 cho người trưởng thành. Đây là chương trình cúm dựa trên mRNA đầu tiên của nhà sản xuất này. Đó là một loại vaccine 4 trong 1, nhằm vào bốn biến thể cúm khác nhau.
Moderna cũng có một chương trình về cúm đang trong giai đoạn thử nghiệm. Vào tháng 12/2021, Moderna đã công bố dữ liệu tạm thời từ một nghiên cứu giai đoạn 1 về một loại vaccine cúm mùa 4 trong 1, được gọi là mRNA-1010. Công ty cũng thông báo đang triển khai toàn diện nghiên cứu giai đoạn 2 của mRNA-1010 và nghiên cứu giai đoạn 3 đang chuẩn bị được tiến hành.
Mặc dù dữ liệu nói chung đáng khích lệ, nhưng kết quả cho thấy rằng vaccine cúm dựa trên mRNA của Moderna không hiệu quả hơn mấy so với những vaccine đã có, như vaccine Fluznoe HD của Sanofi.
Thông thường, các công ty dược lớn như Pfizer và Moderna tránh nghiên cứu và phát triển vaccine cúm giai đoạn đầu vì doanh thu các loại vaccine này tạo ra khá khiêm tốn.
Thị trường vaccine cúm toàn cầu ước tính đạt 6,59 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ tăng lên 10,73 tỷ USD vào năm 2028. Doanh thu trên toàn thế giới của toàn ngành dược phẩm là 1,27 nghìn tỷ USD vào năm 2020.
Khi số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở Mỹ là trên 861.000 người và trên 5,5 triệu người toàn thế giới, người ta đã không để ý đến bệnh cúm mùa thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 5. Tuy nhiên, lịch sử đã ghi nhận 4 đại dịch cúm xảy ra trong thế kỷ qua (các năm 1918, 1957, 1968 và 2009), cướp đi sinh mạng của ít nhất 1 triệu người trong mỗi đại dịch.
Từ năm 2010 đến năm 2020, CDC ước tính rằng trong số 9 triệu đến 41 triệu ca mắc cúm, có từ 12.000 đến 52.000 ca tử vong hàng năm ở Mỹ. Trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng bệnh cúm giết chết từ 290.000 đến 650.000 người mỗi năm.
Bất chấp những số liệu thống kê khủng khiếp đó, kinh phí và nỗ lực dành cho nghiên cứu và phát triển vaccine cúm tương đối ít ỏi và phần lớn chỉ giới hạn trong các học viện, công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học và Viện Y tế Quốc gia Mỹ.
Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng một ngày nào đó vaccine cúm tiêm một lần thực sự sẽ trở thành hiện thực nhờ công nghệ mRNA.
Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla cho biết các hợp tác nghiên cứu gần đây của hãng sẽ cho phép Pfizer nhằm mục tiêu vào bệnh cúm. Đặc biệt, thông qua công nghệ ADN, hãng có thể giảm thời gian sản xuất vaccine mRNA từ một tháng xuống còn một ngày. Ông nói: “Thời gian sản xuất có thể giảm mạnh, giúp chúng tôi sớm có vaccine cho chủng mới nếu cần thiết ngay khi chủng mới xuất hiện”.