Vaccine do các nhà nghiên cứu của Đại học Monash, công ty dược phẩm IDT, Viện Truyền nhiễm và Miễn dịch Peter Doherty hợp tác phát triển. Sản phẩm này được kỳ vọng sẽ giúp phòng ngừa các biến thể của virus SARS-CoV-2 trong tương lai. Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Colin Pouton của Đại học Monash ngày 30/11 cho biết vaccine này có khả năng điều chỉnh nhanh chóng thành phần để ứng phó với các biến thể mới của virus. Điều này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong bối cảnh các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện.
So với các vaccine hiện nay, sản phẩm này tập trung vào vùng liên kết thụ thể (RBD) của protein gai, vốn chịu trách nhiệm giúp virus bám và thâm nhập vào tế bào. Thông qua việc nhắm vào RBD, vaccine sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch nhằm ngăn virus có thể bám và lây nhiễm sang tế bào. Giáo sư Pouton nhấn mạnh cách tiếp cận này giúp vaccine có thể nhanh chóng điều chỉnh thành phần để ứng phó với các biến thể mới, bao gồm cả biến thể Omicron, trong trường hợp virus đột biến. Vaccine này dự kiến sẽ được thử nghiệm trong vài tuần tới.
Giáo sư Archa Fox, nhà nghiên cứu về mRNA tại Đại học Western Australia, kiêm Chủ tịch Mạng lưới RNA của Australia khẳng định vaccine trên sẽ là bước đi quan trọng hướng tới việc giúp Australia có sản phẩm vaccine tự chế sử dụng công nghệ mRNA đầu tiên, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung toàn cầu.
Theo Giáo sư Fox, trong bối cảnh chi phí mua vaccine của nước ngoài là rất cao, nguy cơ bị chậm trễ trong việc xếp hàng đặt mua trong những đợt dịch mới, Australia cần tăng cường chuyên môn, năng lực để có thể sản xuất vaccine mRNA và các phương thuốc điều trị bằng RNA với quy mô lớn. Ước tính Australia đã sản xuất 450 liều vaccine, đủ để 150 người tham gia thử nghiệm trong giai đoạn 1 với kết quả sẽ có trong năm 2022.
Tại Mỹ, công ty công nghệ sinh học Regeneron (Mỹ) cảnh báo thuốc điều trị COVID-19 sử dụng hỗn hợp kháng thể mang tên Ronapreve (hay còn gọi là REGEN-COV), có khả năng ít hiệu quả hơn trong việc chống biến thể Omicron.
Trong thông báo, Regeneron cho biết việc phân tích và đánh giá mô hình cấu trúc của các đột biến riêng lẻ trong biến thể Omicron cho thấy nguy cơ suy giảm hoạt động trung hòa của các kháng thể. Hiện vẫn cần có thêm các phân tích để xác nhận và đánh giá cụ thể tác động này thông qua việc giải mã trình tự gene của biến thể Omicron.
Trước đó, Mỹ đã phê chuẩn việc sử dụng hỗn hợp kháng thể đơn Ronapreve cho những cho người sống và làm việc trong môi trường phơi nhiễm virus SARS-CoV-2. Loại thuốc này sử dụng 2 loại kháng thể trung hòa là “casilibimab” và “imdevimab” và được tiêm truyền qua tĩnh mạch
. Các kháng thể đơn dòng này là những protein hình chữ Y có khả năng bám vào các gai nằm trên bề mặt virus, ngăn mầm bệnh xâm nhập vào tế bào. Tuy nhiên, Omicron có một lượng lớn đột biến trong protein gai, khiến các chuyên gia y tế vô cùng lo ngại. Biến thể Omicron được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi và hiện đã lây lan ra một số nước trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác định đây là "biến thể đáng quan ngại".
Tháng 9 vừa qua, WHO đã khuyến nghị các nước có thể lựa chọn liệu pháp “hỗn hợp kháng thể” mang tên Ronapreve này để điều trị cho các những người cao tuổi hoặc những người có hệ miễn dịch yếu.
Ronapreve được công ty công nghệ sinh học Regeneron phát triển và do tập đoàn dược phẩm Thụy Sĩ Roche tiếp thị. Đây là liệu pháp điều trị COVID-19 thứ ba được WHO bật đèn xanh, và được bổ sung vào danh sách hướng dẫn điều trị của tổ chức liên quan đến căn bệnh này. Năm ngoái, các bác sĩ Mỹ đã dùng liệu pháp trên và chữa khỏi bệnh COVID-19 cho Tổng thống khi đó là ông Donald Trump.