Vaccine của Sinopharm - một nguồn cung hiệu quả cho cuộc chiến chống COVID-19

Trong số 6 loại vaccine được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp, vaccine bất hoạt của Sinopharm, do Viện Sản phẩm sinh học Bắc Kinh, công ty con của Tập đoàn Biotec quốc gia Trung Quốc (CNBG) sản xuất, đang là một trong những nguồn cung quan trọng. 

Trong bối cảnh số ca lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 gia tăng trở lại với sự xuất hiện của biến thể Delta, có nguy cơ phá hỏng những nỗ lực ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh trên thế giới, việc tiêm chủng vaccine vẫn được xem là giải pháp an toàn và hiệu quả nhất trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng như giảm tải cho hệ thống y tế đang có nguy cơ sụp đổ tại một số quốc gia. 

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của Sinopharm, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong số 6 loại vaccine được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp, vaccine bất hoạt của Sinopharm, do Viện Sản phẩm sinh học Bắc Kinh, công ty con của Tập đoàn Biotec quốc gia Trung Quốc (CNBG) sản xuất, đang là một trong những nguồn cung quan trọng. 

Tháng 5 vừa qua, WHO đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine bất hoạt của Sinopharm. Với bổ sung này, nguồn cung đối với sinh phẩm y tế có tác dụng ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh trên thế giới đã phần nào được giải tỏa, tâm lý "kén chọn" vaccine cũng không còn quá nặng nề.

Theo thống kê, trong số 6 loại vaccine của các hãng gồm Pfizer/BioNTech, Johnson & Johnson, Moderna, AstraZeneca, Sinopharm và một phiên bản của vaccine AstraZeneca do Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất, được WHO cấp phép đến nay, mức độ an toàn và tác dụng bảo vệ đều được khẳng định đạt hiệu quả từ gần 70-95%. Với quyết định của WHO, vacine của Sinopharm trở thành sinh phẩm đầu tiên sử dụng công nghệ virus bất hoạt được cấp phép sử dụng khẩn cấp. Trước đó, WHO mới thông qua những vaccine sử dụng công nghệ mRNA như Pfizer/BioNTech và Moderna; công nghệ virus vetor như Johnson & Johnson và AstraZeneca.

Việc phê chuẩn vaccine Sinopharm được WHO đưa ra sau khi nhận được đánh giá tích cực về chất lượng, độ an toàn, hiệu quả của nhiều cố vấn, chuyên gia độc lập và đội ngũ chuyên môn của WHO. Những thử nghiệm giai đoạn 3 quy mô lớn ở nhiều quốc gia, với vaccine sử công nghệ virus bất hoạt truyền thống cho thấy hiệu quả không kém so với các vaccine sử dụng công nghệ tiên tiến hơn. Theo đó, nếu tiêm đủ 2 mũi vaccine Sinopharm cách nhau 3-4 tuần, hiệu quả ngăn chặn nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 có triệu chứng là 79%, giảm xuống còn 73,5% với các trường hợp không có triệu chứng. Tác dụng cũng được phát huy tối đa 14 ngày sau khi tiêm mũi thứ 2. Hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa các ca nhiễm phải nhập viện là 79%. Ngoài ra, một lợi thế không thể phủ nhận của Sinopharm nữa là được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ tiêu chuẩn từ 2-8 độ C, với thời hạn sử dụng 2 năm, điều kiện bảo quản này giúp cho việc vận chuyển dễ dàng qua đó giảm chi phí vận chuyển và lưu kho, tăng khả năng tiếp cận của vaccine trên toàn thế giới.

Đặc biệt vaccine bất hoạt đầu tiên được WHO thông qua hiện được giới chức y tế nhiều nước khẳng định vẫn có hiệu quả với biến thể Delta, đang chiếm phần lớn số ca lây nhiễm trên thế giới. Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc Phùng Tử Kiện cho hay: "Các phát hiện mới nhất cho thấy biến thể Delta có thể phần nào giảm hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19, nhưng các mũi tiêm hiện tại vẫn có tác dụng phòng ngừa và bảo vệ tốt đối với chủng này."

Trong thử nghiệm lâm sàng mới nhất tại Sri Lanka, các nhà nghiên cứu hàng đầu nước này cho biết vaccine của hãng Sinopharm có hiệu quả cao chống biến thể Delta. Theo đó, phản ứng kháng thể từ vaccine với Delta tương tự mức kháng thể của người từng mắc COVID-19.

Cho đến nay hàng trăm triệu liều vacicne đã được phân phối đến các quốc gia đang thiếu vaccine thông qua chương trình COVAX, cơ chế chia sẻ vaccine cho nhóm các nước có thu nhập thấp do WHO khởi xướng và hỗ trợ triển khai. Với hơn 1.500 công ty con và hơn 200.000 nhân viên trải rộng khắp toàn cầu, Sinopharm đã đưa vaccine của mình tới 64 quốc gia và vùng lãnh thổ, với khoảng 800 triệu liều đã được sử dụng. Không những thế, Sinopharm còn đóng góp chính cho nguồn vaccine tài trợ của Trung Quốc thông qua cơ chế COVAX. Theo thống kê của Liên minh vaccine toàn cầu (GAVI), Sinopharm sẽ cung cấp 170 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 thông qua cơ chế chia sẻ của WHO cho đến giữa năm 2022.

Tại châu Phi, khu vực đang có tỷ lệ tiêm thấp nhất thế giới, vaccine của Sinopharm đang là nguồn cung chính để giúp "Lục địa Đen" giảm số ca lây nhiễm và tử vong đang tiếp tục gia tăng trong những tuần qua. Theo Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Phi Matshidiso Moeti, gần 4 triệu liều vaccine của Sinopharm đã tới châu Phi vào trung tuần tháng 7 cùng với một số nguồn cung khác đáp ứng mục tiêu tiêm chủng cho 30% dân số châu Phi vào cuối năm nay. Trong số 110 triệu liều vaccine mà COVAX đã ký với các hãng dược phẩm của Trung quốc, phần lớn dành cho các nước có thu nhập thấp tại châu Phi.

Tại khu vực Đông Nam Á, làn sóng dịch COVID-19 thứ 3 có sức tàn phá vô cùng khủng khiếp đang tấn công nhiều quốc gia khi biến thể Delta tiếp tục lây lan mạnh mẽ, khiến số ca mắc và số ca tử vong tăng cao kỷ lục. Trước tình trạng này, các nước Đông Nam Á đang phải tìm cách đa dạng nguồn cung để nâng tỷ lệ bao phủ vaccine. Ngoài các nguồn cung từ Mỹ và châu Âu, vaccine của Sinopharm đang là sự lựa chọn cần thiết. Theo Bộ Doanh nghiệp nhà nước Indonesia, quốc gia này đã tiếp nhận 6 lô vaccine của công ty Sinopharm, với tổng số 6 triệu liều tính đến cuối tháng 7/2021. Các lô hàng trên nằm trong hợp đồng mua 15 triệu liều vaccine được công ty dược phẩm quốc doanh Kimia Farma ký với hãng Sinopharm phục vụ cho chương trình tiêm chủng Gotong Royong (Hợp tác Cùng nhau) tại nước này.

Ngoài Indonesia, các nước khác trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Philippines và Singapore cũng đang sử dụng vaccine của Sinopharm theo kế hoạch đa dạng hóa nguồn cung.

Tại Việt Nam, vaccine của Sinopharm đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19. Việt Nam đến nay đã tiếp nhận 500.000 liều vaccine Sinopharm do Chính phủ Trung Quốc viện trợ và triển khai tiêm chủng từ tháng 7/2021.

Ông Dương Hiểu Minh, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ sinh học quốc gia Trung Quốc, một chi nhánh của Sinopharm, giải thích rằng không có vaccine COVID-19 nào trên thế giới có thể đảm bảo 100% khả năng chống nhiễm bệnh. Tuy nhiên, với tiêu chí ngăn ngừa tử vong và tình trạng bệnh nghiêm trọng, giảm số ca lây nhiễm  trong cộng đồng, vaccine của Sinopharm, một trong số những vaccine bất hoạt được tiêm cho 1,7 tỷ người dân Trung Quốc đã chứng minh được tính hiệu quả và an toàn.

Phương Hoa (TTXVN)
Vaccine Sinovac và Sinopharm giúp ngăn ngừa ca nhiễm nặng
Vaccine Sinovac và Sinopharm giúp ngăn ngừa ca nhiễm nặng

Bất cứ ai cũng nên được tiêm chủng mũi đầu tiên càng nhanh càng tốt và việc tiêm vaccine COVID-19 hướng đến bảo vệ người tiêm khỏi nguy cơ mắc bệnh nặng, nhập viện và tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN