Theo phóng viên TTXVN tại Canada, trong báo cáo vừa công bố, NACI - một tổ chức độc lập gồm các chuyên gia về vaccine - cũng kêu gọi người Canada từ 18 đến 49 tuổi tiêm mũi tăng cường vaccine mRNA ít nhất 6 tháng sau mũi tiêm thứ hai.
NACI cho biết tổ chức này khuyến nghị tiêm mũi vaccine tăng cường vì những dữ liệu mới đây cho thấy khả năng bảo vệ của vaccine chống nguy cơ nhiễm bệnh đang giảm dần theo thời gian đối với những người đã hoàn thành hai mũi tiêm. NACI cũng cho rằng vaccine của Pfizer là sản phẩm "được ưu tiên" sử dụng cho nhóm đối tượng từ 12-19 tuổi vì rủi ro của loại vaccine này liên quan các vấn đề về tim thấp hơn.
Bà Theresa Tam, người đứng đầu Cơ quan y tế công cộng của Canada, cho biết NACI đang thúc đẩy tiêm mũi tăng cường đối với những người trên 50 tuổi vì đây là nhóm có nhiều nguy cơ biến chứng nghiêm trọng hơn khi mắc COVID-19.
Theo NACI, số ca mắc mới COVID-19, tỷ lệ phải nhập viện, phải điều trị tại các cơ sở chăm sóc tích cực (ICU) và tỷ lệ tử vong tiếp tục cao nhất ở những người không được tiêm chủng.
Cùng ngày, Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho biết Mỹ đã tiêm khoảng 2,18 triệu mũi vaccine ngừa COVID-19 trong ngày 2/12, mức cao nhất theo ngày trong vòng 6 tháng qua tại nước này.
Quan chức phụ trách dữ liệu COVID-19 của CDC, ông Cyrus Shahpar dẫn số liệu của CDC cho hay khoảng 50% trong số mũi tiêm ngày 2/12 là mũi tiêm tăng cường và gần 33% là mũi tiêm đầu tiên. Ông Shahpar kêu gọi người dân Mỹ tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc tiêm mũi tăng cường trong bối cảnh xuất hiện biến thể Omicron mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là đáng lo ngại.
Tính đến chiều 3/12, tổng cộng 234.743.864 người Mỹ, tương đương 70,7% dân số, đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, trong đó 198.211.641 người đã tiêm đủ liều. Mỹ cũng đã tiêm mũi vaccine tăng cường cho 44.035.293 người, tương đương 22,2% người đã hoàn thành tiêm chủng.