Ưu tiên của Ba Lan khi làm Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu

Ba Lan đặt ra các ưu tiên khi đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) từ Hungary.

Chú thích ảnh
Cờ của Liên minh châu Âu (EU). Ảnh: IRNA/TTXVN

Ba Lan có một chương trình nghị sự rõ ràng và cứng rắn thông qua ba chiến lược chính: tăng chi tiêu quốc phòng, bảo vệ biên giới trước các mối đe dọa hỗn hợp và thông tin sai lệch, chống can thiệp từ bên ngoài.

Vai trò lãnh đạo của Ba Lan trong EU được nhìn nhận tích cực, vì đây là một trong số ít các quốc gia thành viên lớn có nền kinh tế đang tăng trưởng (tăng trưởng GDP 4% trong quý 2 năm 2024) và môi trường chính trị ổn định.

Kết quả của cuộc bầu cử tháng 10/2023 cho thấy các phe phái hoài nghi châu Âu đang mất dần vị thế vào tay các lực lượng ủng hộ EU, khi Ba Lan hiện được điều hành bởi Thủ tướng Donald Tusk, người giành được sự ủng hộ của hầu hết các đảng phái trong nước.

Mục tiêu chính của Ba Lan là "quốc phòng và an ninh", nhấn mạnh rằng EU phải coi trọng việc tăng chi tiêu quân sự. Sự tập trung này sẽ mang lại lợi ích cho ngành công nghiệp quốc phòng thông qua việc tăng cường tài trợ và nâng cao năng lực quân sự của các quốc gia thành viên EU.

Ba Lan đề xuất rằng các khoản đầu tư vào lĩnh vực quân sự cũng nên hỗ trợ việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng dân sự có thể được tái sử dụng cho mục đích quân sự trong thời chiến, như đã thấy ở Ukraine. Cụ thể, Ba Lan đặt mục tiêu tăng cường phòng thủ chống Nga tại hai vị trí quan trọng là lá chắn phía Đông trên biên giới với vùng Kaliningrad và tuyến phòng thủ Baltic bao gồm Estonia, Latvia và Lítva.

Có nhiều hy vọng rằng vai trò mới được thành lập của Ủy viên quốc phòng EU, do ông Andrius Kubilius lãnh đạo, sẽ ưu tiên khía cạnh này trong nhiệm kỳ chủ tịch của Ba Lan. Tuy nhiên, Ba Lan và các quốc gia Baltic phải đối mặt với những thách thức trong việc nhanh chóng tăng cường năng lực quân sự xuyên biên giới.

Ưu tiên thứ hai trong chương trình nghị sự của Ba Lan là an ninh biên giới và vấn đề di cư bất hợp pháp.

Nước này nhấn mạnh rằng di cư ngày càng trở thành một công cụ để các nước không thân thiện tiến hành chiến dịch hỗn hợp.

Các cuộc khủng hoảng di cư nảy sinh ở biên giới Ba Lan, Lítva và Latvia vào mùa thu năm 2021 đã thúc đẩy EU chú ý hơn đến biên giới phía Đông.

Theo Eurobarometer 2024, di cư là một trong những mối quan tâm hàng đầu của công dân châu Âu, cùng với sự ổn định và hòa bình. Điều quan trọng là phải nhận ra rằng di cư ảnh hưởng đến sự ổn định của các nền dân chủ, đặc biệt là trong các giai đoạn bầu cử, và có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh biên giới trong thời gian tạm thời.

Cuối cùng, nhiệm kỳ luân phiên của Ba Lan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chống can thiệp từ nước ngoài.

Để chống cực đoan hóa dư luận, Ba Lan nhấn mạnh sự cần thiết phải chống thông tin sai lệch, những nỗ lực sẽ được tăng cường và do đó bảo vệ khả năng phục hồi dân chủ của các quốc gia thành viên EU.

Ba Lan bày tỏ quyết tâm cải thiện phối hợp với EU để chống thông tin sai lệch, giải quyết các thách thức trên cả phương tiện truyền thông truyền thống và xã hội, cũng như bảo vệ tính toàn vẹn của không gian mạng.

Thời điểm Ba Lan đảm nhận chức chủ tịch luân phiên Hội đồng EU là thuận lợi cho các lợi ích chiến lược của châu Âu.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo intellinews)
Nông dân Ba Lan biểu tình phản đối nhập khẩu nông sản Ukraine
Nông dân Ba Lan biểu tình phản đối nhập khẩu nông sản Ukraine

Ngày 3/1, nông dân Ba Lan đã tổ chức biểu tình tại thủ đô Warsaw nhằm phản đối việc nhập khẩu nông sản từ Ukraine và các chính sách liên quan của Liên minh châu Âu (EU).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN