UNICEF kêu gọi G7 và EU chia sẻ gấp vaccine cho những nước nghèo

Ngày 17/5, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và Liên minh châu Âu có khả năng viện trợ hơn 150 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho những nước đang thiếu vacccine mà không ảnh hưởng tới mục tiêu tiêm chủng của mình.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: PAP/TTXVN

Tổng giám đốc UNICEF Henrietta Fore nêu rõ: "Các nước (G7 và EU) có thể làm được việc này trong khi vẫn hoàn tất cam kết tiêm chủng cho dân số nước mình". 

Theo một nghiên cứu của Công ty Airfinity (Anh), 7 quốc gia giàu nhất thế giới và các nước thành viên EU có thể giúp thu hẹp khoảng cách về vacine trên thế giới bằng cách chia sẻ chỉ 20% dự trữ vaccine của mình trong tháng 6, 7 và 8 cho cơ chế vaccine toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng. 

Dự kiến, Anh sẽ  tiếp đón các nước thành viên khác trong G7 là Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ tới nước này tham gia Hội nghị thượng đỉnh G7 sắp diễn ra từ ngày 11 - 13/6 tới.

Theo UNICEF, vào thời điểm đó, cơ chế COVAX sẽ thiếu hụt 190 triệu liều vaccine dự kiến phân phối cho những nước nghèo. Một phần gây ra sự thiếu hụt vaccine này là do dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ tại Ấn Độ, nước sản xuất và xuất khẩu phần lớn vaccine phục vụ cơ chế COVAX. Hiện Ấn Độ đang sử dụng vaccine dành cho COVAX để đối phó với dịch bệnh bùng phát trong nước. 

Trong bối cảnh thiếu nguồn cung vaccine và kinh phí, UNICEF kêu gọi G7 và EU cần nhanh chóng chia sẻ vaccine cho đến khi đạt được mô hình sản xuất vaccine bền vững. UNICEF nêu rõ: "Việc chia sẻ ngay lượng vaccine dư thừa có sẵn là biện pháp tối thiểu, quan trọng và cấp thiết nhằm chấm dứt khoảng cách về vaccine và cần được làm ngay". 

Mỹ có 60 triệu liều vaccine của hãng AstraZeneca mà nước này có thể chia sẻ trong khi Pháp đã cam kết chia sẻ 500.000 liều và Thụy Điển 1 triệu liều. Thụy Sĩ đang cân nhắc viện trợ mức tương tự. 
Cho đến nay, khoảng 44% trong tổng số 1,4 tỉ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm ở những nước có thu nhập cao, chiếm 16% dân số toàn cầu. Chỉ 0,3% liều vaccine đã được tiêm ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất, chiếm 9% dân số thế giới. Khoảng cách này đã khiến Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 14/5 kêu gọi các nước giàu xem xét lại kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, thay vào đó cung cấp vaccine cho cơ chế vaccine toàn cầu COVAX để chia sẻ cho các nước nghèo. 

Ngoài ra, mức độ cấp bách của việc chia sẻ vaccine còn bắt nguồn từ nguy cơ các biến thể của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan với tốc độ nhanh hơn và gây tử vong cao hơn có thể xóa bỏ những tiến bộ đạt được của các nước trong nỗ lực hướng tới miễn dịch cộng đồng. 

UNICEF nhấn mạnh điều đáng lo ngại là dịch bệnh nghiêm trọng ở Ấn Độ là điềm báo cho những gì sẽ xảy ra nếu những cảnh báo này vẫn bị phớt lờ. Ví dụ những nước gần Ấn Độ như Nepal, Sri Lanka và Maldives, đang chứng kiến số ca mắc COVID-19 gia tăng mạnh và hệ thống y tế chật vật đối phó với dịch bệnh. Tình hình tương tự cũng đang diễn ra ở những xa hơn như Argentina và Brazil.

Minh Châu (TTXVN)
Vaccine Covaxin được cho là hiệu quả đối với các biến thể của SARS-CoV-2
Vaccine Covaxin được cho là hiệu quả đối với các biến thể của SARS-CoV-2

Hãng dược phẩm Bharat Biotech của Ấn Độ ngày 16/5 tuyên bố vaccine Covaxin phòng bệnh COVID-19 của hãng này có hiệu quả đối với các biến thể của virus SARS-CoV-2, bao gồm biến thể B.1.617 được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ và B.1.1.7 phát hiện tại Anh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN