UNHCR hỗ trợ hàng nghìn nạn nhân xung đột vũ trang tại miền Bắc Mozambique

Ngày 1/3, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về cuộc khủng hoảng nhân đạo leo thang tại tỉnh Cabo Delgado đầy bất ổn ở miền Bắc Mozambique sau khi bạo lực bùng phát giữa các nhóm vũ trang.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Mozambique di chuyển tới Sadjundjira thuộc vùng núi Gorongosa sau chiến dịch tấn công truy quêt lực lượng nổi dậy Renamo. Ảnh minh họa: EPA/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại LHQ dẫn báo cáo của UNHCR cho biết hơn 70.000 người tại tỉnh Cabo Delgado đã phải rời bỏ nhà cửa để chạy tới các khu vực phía Nam kể từ khi vòng xoáy bạo lực mới nhất bùng phát hồi đầu tháng 2. Chỉ riêng ở huyện Chiure, trên 56.000 người bị ảnh hưởng và hơn 30.000 người phải đi sang tỉnh Nampula lân cận để lánh nạn. Cũng theo báo cáo trên, hầu hết nạn nhân là phụ nữ, trong đó có không ít phụ nữ mang thai, cũng như người khuyết tật, người già và trẻ em.

LHQ cho biết UNHCR và các đối tác đang cung cấp hàng cứu trợ cho các nạn nhân, bao gồm thảm ngủ, chăn màn, đèn năng lượng Mặt trời và thực phẩm. Tuy nhiên, việc thiếu kinh phí đang cản trở các hoạt động này và UNHCR phải tìm kiếm khoảng 49 triệu USD cho các hoạt động tại Mozambique trong năm 2024.

UNHCR cho biết bạo lực đã phá hủy trên diện rộng các khu dân cư, trường học, trung tâm y tế, các cơ sở tôn giáo và cộng đồng khác. Điều này càng làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo vốn đã thảm khốc ở Mozambique, nơi có tới hơn 709.000 người bị mất nhà cửa vì xung đột giữa các nhóm vũ trang phi nhà nước và tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu. Tháng 7/2021, Rwanda và các quốc gia thuộc Cộng đồng Phát triển Nam Phi (SADC) đã triển khai lực lượng tới Mozambique sau nhiều năm xảy ra các cuộc tấn công của các nhóm thánh chiến tại nước này, qua đó giúp Chính phủ Mozambique giành lại vùng lãnh thổ đã mất ở Cabo Delgado nhưng bất ổn vẫn tiếp diễn.

Thanh Tuấn (TTXVN)
UNHCR đối mặt 'một trong thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử'
UNHCR đối mặt 'một trong thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử'

Người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), ông Filippo Grandi ngày 9/10 cho biết cơ quan này đang đối mặt với một trong thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử hơn 70 năm của cơ quan, trong bối cảnh trên toàn thế giới có khoảng 110 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, trong khi ngân quỹ ứng phó thiếu nghiêm trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN