Vấn đề nhập cư là một trong những vấn đề gây quan ngại chính trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 về Brexit. Tuy nêu về kế hoạch kiểm soát nhập cư nhưng ông Johson không cam kết một cách chắc chắn sẽ cắt giảm lượng người nhập cư vào quốc gia này.
Cựu Ngoại trưởng Anh cũng kêu gọi bảo vệ các quyền lợi của trên 3 triệu công dân EU đang sinh sống tại Anh, kể cả khi quốc gia này rời đi mà không có thỏa thuận Brexit vào ngày 31/10 tới.
Đây được coi là những tuyên bố đầu tiên về chính sách ưu tiên nếu lên làm lãnh đạo Anh của cựu Ngoại trưởng Johnson. Ông này kêu gọi thiết lập một hệ thống nhập cư dựa theo các tiêu chuẩn giống mô hình của Australia. Nói rộng ra, những mô hình kiểu này cho phép những người đáp ứng các tiêu chuẩn như bằng cấp, nghề nghiệp và khả năng ngôn ngữ, được nhập cư Anh.
Ông Johnson nhấn mạnh Anh cần mở rộng cửa chào đón những người nhập cư có trình độ như các nhà khoa học nhưng cũng cần đảm bảo với công chúng rằng khi rời khỏi EU, Anh có quyền kiểm soát số người nhập cư không tay nghề, không bằng cấp đến quốc gia này. Chính sách nhập cư sẽ nghiêm khắc hơn với những người có ý định lợi dụng những chính sách hiếu khách của Anh.
Ông Johnson cũng cho biết một ủy ban cố vấn độc lập của chính phủ sẽ xây dựng chính sách của ông một cách chi tiết và công bố vào năm 2021.
Việc cựu Ngoại trưởng Anh ưu tiên giải quyết vấn đề nhập cư là điều không khó hiểu bởi ông từng là lãnh đạo chiến dịch ủng hộ Brexit trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 với cam kết chính là "lấy lại quyền kiểm soát" các vùng biên giới quốc gia. Khi còn là thành viên của EU, Anh phải tuân theo các qui định cho phép người lao động di chuyển tự do trong toàn khối.
Ông Jonhson cũng ủng hộ cách tiếp cận của chính phủ của Thủ tướng May, trong đó kêu gọi đảm bảo đối xử công bằng với người nhập cư EU và người nhập cư ngoại khối. Tuy nhiên, hiện London vẫn đang trong quá trình tham vấn để xây dựng một hệ thống chi tiết.
Thủ tướng May cũng từng chỉ trích ý tưởng thiết lập một hệ thống giám sát nhập cư dựa trên các tiêu chuẩn vì bà cho rằng hệ thống này không giúp kiểm soát số người nhập cư vào Anh.
Về vấn đề Brexit, ông Johnson luôn khẳng định sẵn sàng đưa Anh rời EU mà không có thỏa thuận vào cuối tháng 10 tới. Dù cho rằng Brexit không thỏa thuận không phải là cái kết mà mọi người mong đợi và không ít người phản đối kịch bản này nhưng việc chuẩn bị cho khả năng này là một việc "sống còn".
Ông cũng cảnh báo dựa trên các kết quả khảo sát gần đây, việc thủ tướng tiếp theo kêu gọi tổ chức bầu cử sớm sẽ là một việc làm "điên rồ".
Ông Johnson cũng gần như loại bỏ khả năng hợp tác với lãnh đạo đảng Brexit Nigel Farage để đảm bảo một Brexit có thỏa thuận. Đảng Brexit là đảng mới thành lập đầu năm nay nhưng đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) hồi cuối tháng 5 vừa qua tại Anh. Ông Johnson cho rằng khi cạnh tranh với các đảng khác không nên để đảng đó có cơ hội được công chúng tiếp sức.
Sau các vòng bỏ phiếu trong nhóm 313 nghị sĩ đảng Bảo thủ cầm quyền, ông Johson và đương kim Ngoại trưởng Jeremy Hunt đã vượt qua 8 ứng viên còn lại để trụ đến vòng cuối cùng trong cuộc đua giành chiếc ghế lãnh đạo đảng này và nước Anh thay thế bà May sau khi bà tuyên bố từ chức hồi tháng trước vì không thể tháo gỡ bế tắc trong tiến trình Brexit.
Hiện hai ông đều đang thực hiện các chiến dịch vận động 160.000 thành viên đảng cầm quyền để giành chiến thắng trong vòng đua cuối. Người thắng cuộc để trở thành lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ và của nước Anh sẽ được công bố vào ngày 23/7.
Dù ai là người chiến thắng cuối cùng cũng đều phải đối mặt với thách thức to lớn khi phải giải quyết những bế tắc hiện tại và thu hẹp những chia rẽ sâu sắc trong chính trường Anh để đảm bảo thực hiện kế hoạch Brexit theo đúng kết quả của cuộc trưng cầu ý dân hồi năm 2016.