Ukraine mong nhận được tàu ngầm từ Đức

Chủ tịch Quốc hội Ukraine tuyên bố vũ khí hiện đại và các quyết định thần tốc là chìa khóa dẫn đến chiến thắng trước Nga.

Chú thích ảnh
Tàu ngầm Type 212A của Đức trở về sau một nhiệm vụ tuần tra của NATO. Ảnh: Navalnews

Đài RT ngày 4/6 đưa tin Chủ tịch Quốc hội Ukraine, Ruslan Stefanchuk tiết lộ rằng Berlin có thể cung cấp cho Kiev các tàu ngầm. Thông tin này được ông Stefanchuk đưa ra trong chuyến thăm Đức trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Nga vẫn đang tiếp diễn ở Ukraine.

Phát biểu trước cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht vào 3/6, người đứng đầu quốc hội Ukraine cho biết “việc cung cấp các thiết bị hiện đại nhất cho Ukraine” và ra quyết định nhanh chóng về vấn đề này sẽ mang lại “chiến thắng chung” gần hơn trước Nga.

Ông Stefanchuk bày tỏ hy vọng rằng các hệ thống tên lửa đất đối không IRIS-T sẽ được chuyển giao nhanh chóng cho Ukraine.

Vị chính khách nói thêm: “Tôi không loại trừ việc nhận tàu ngầm từ Đức, bởi vì chúng tôi sẵn sàng trở thành biên giới phòng thủ phía đông cho cả châu Âu”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Lambrecht tuyên bố rằng đất nước của bà “sẽ tiếp tục làm mọi thứ để hỗ trợ Ukraine, không chỉ vào thời điểm này mà còn về lâu dài”.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Ukraine Ruslan Stefanchuk và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Berlin, ngày 3/6/2022. Ảnh: AP

Sau đó, tóm tắt kết quả chuyến thăm Đức của mình trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Welt TV, ông Stefanchuk nhắc lại rằng Kiev cần vũ khí hiện đại “trước hết và trên hết”.

Ông nói: “Chúng tôi cũng có thể chiến đấu với vũ khí cũ từ kho cũ, nhưng vũ khí mới hiệu quả hơn”.

Người đứng đầu Quốc hội Ukraine nói thêm rằng Kiev mong đợi Đức cung cấp cho họ cả xe bọc thép Marder và xe tăng Leopard, những loại vũ khí mà Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba đã mô tả vào tháng trước là “giấc mơ” của Kiev.

Cuộc tấn công quân sự của Nga ở Ukraine đã khiến Đức từ bỏ chính sách lâu nay phản đối vận chuyển vũ khí vào các khu vực đang xảy ra xung đột, và đảo ngược lập trường không cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev.

Moskva đã nhiều lần cảnh báo phương Tây về việc "bơm" vũ khí cho Ukraine, cho rằng hành động đó sẽ chỉ kéo dài xung đột và gây ra các vấn đề lâu dài. Nga cũng đã nói rõ rằng họ coi bất kỳ vũ khí nước ngoài nào ở Ukraine là mục tiêu hợp pháp.

Ngày 3/6, Quốc hội Đức đã bỏ phiếu thông qua một sửa đổi hiến pháp để lập một quỹ trị giá 100 tỷ euro nhằm tăng cường khả năng phòng thủ quân sự của đất nước.

“Đây là thời điểm mà Đức nói rằng chúng tôi có mặt khi châu Âu cần chúng tôi”, Ngoại trưởng Annalena Baerbock của đảng Xanh phát biểu.

Ba ngày sau khi Nga đưa quân Ukraine vào tháng 2, Thủ tướng Olaf Scholz đã cam kết ngân sách đặc biệt trị giá 100 tỷ euro để tái trang bị quân đội Đức và hiện đại hóa các trang thiết bị lỗi thời của nước này trong vài năm tới.

Nhưng những người chỉ trích kể từ đó đã cáo buộc ông Scholz rụt rè trong việc ủng hộ Kiev và không thực hiện hành động cụ thể để chuyển giao vũ khí cho Ukraine.

Phản ứng trước động thái nói trên, cùng ngày 3/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết: “Chúng tôi coi đó như một sự xác nhận khác rằng Berlin đang trên con đường tái quân sự hóa mới. Chúng tôi biết quá rõ rằng điều đó có thể kết thúc như thế nào."

Bình luận của bà Zakharova dường như ám chỉ đến chương trình tái vũ trang của Đức Quốc xã vào những năm 1930 dưới thời Adolf Hitler.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Nghịch lý các linh kiện do Mỹ sản xuất đang hỗ trợ pháo binh Nga ở Ukraine
Nghịch lý các linh kiện do Mỹ sản xuất đang hỗ trợ pháo binh Nga ở Ukraine

Trong khi Ukraine đang nhận được sự ủng hộ công khai từ Mỹ và các nước châu Âu bằng các hệ thống pháo tiên tiến, thì Nga cũng đang dựa vào hàng nghìn linh kiện của phương Tây để đảm bảo các hệ thống vũ khí của họ có thể khai hỏa vào các vị trí của Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN