Ai Cập đã hủy đơn đặt hàng 240.000 tấn lúa mì Ukraine trước đó được cho là sẽ giao vào tháng 2 và tháng 3 song không thể vận chuyển do xung đột ở Ukraine.
Theo hãng tin Reuters, sau khi không thể nhận được nguồn cung từ Ukraine, Ai Cập - một trong những nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới - đã mua ngũ cốc ở nơi khác. Theo báo cáo của cơ quan quản lý mua sắm Ai Cập, trong tháng 6, nước này đã mua hơn một triệu tấn lúa mì từ Romania, Bulgaria, Pháp và Nga. Trang mạng Bloomberg đưa tin Ai Cập hiện có lượng dự trữ ngũ cốc kéo dài 7 tháng.
Theo các nguồn thạo tin, việc hủy các hợp đồng mua ngũ cốc Ukraine không rõ xảy ra trước hay sau khi Moskva và Kiev đạt được thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc do Liên hợp quốc (LHQ) làm trung gian. Nga và Ukraine đã nhất trí tái khởi động việc xuất khẩu ngũ cốc thông qua Biển Đen vào ngày 22/7.
Ngày 31/7, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin nhận định khả năng cao con tàu đầu tiên chở ngũ cốc xuất khẩu sẽ rời cảng Ukraine vào ngày 1/8. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Kanal 7, ông Kalin cho biết trung tâm điều phối chung ở Istanbul gần như chắc chắn sẽ sớm hoàn tất công việc cuối cùng về các tuyến đường xuất khẩu.
Khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc đang chờ tại cảng Ukraine đợi xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Đây được coi là nỗ lực của các bên nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực và hạ giá ngũ cốc toàn cầu, vốn leo thang kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Xuất khẩu ngô của Ukraine chiếm hơn 15% nguồn cung toàn cầu. Người mua lớn nhất của Ukraine là EU, chủ yếu sử dụng nó làm thức ăn gia súc. Bên cạnh đó, Ukraine vẫn có những khách hàng quan trọng khác như Ai Cập và Indonesia. Thị phần của Ukraine trong xuất khẩu lúa mì của thế giới vào năm 2021 là 10%.
Quốc gia Đông Âu đứng thứ 5 trong số các nhà xuất khẩu lúa mì toàn cầu sau Mỹ, Canada, Nga và EU. Ngoài ngô và lúa mì, các mặt hàng xuất khẩu ngũ cốc khác của Ukraine còn bao gồm lúa mạch, kê, yến mạch và lúa mạch đen.