Chương trình gồm việc thực hiện 50 bước nhằm đạt được 17 mục tiêu, bao gồm hoàn thành việc chuyển đổi hệ thống chỉ huy và quản lý theo chuẩn NATO, thành lập một trung tâm phân tích, huấn luyện và đào tạo chung giữa Ukraine và NATO, phát triển các tài liệu quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng theo các tiêu chuẩn NATO và đưa ra những thay đổi về luật pháp của Ukraine để tăng cường kiểm soát dân sự đối với quân đội.
Ukraine đã nộp đơn xin gia nhập NATO trên cơ sở ưu tiên vào tháng 9/2022 và đã được đảm bảo tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius vào tháng 7/2023 rằng quốc gia này sẽ được chấp thuận nếu đáp ứng được các yêu cầu cần thiết. Tuy nhiên, không có thời gian biểu nào cho việc gia nhập của Ukraine được đưa ra tại Brussels. Trong khi đó, NATO vẫn liên tục chỉ ra thực tế rằng việc gia nhập của Ukraine là không thể khi nước này vẫn đang trong tình trạng xung đột vũ trang.
Cũng trong ngày 1/3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nước này và Hà Lan đã ký thỏa thuận an ninh, mở đường để Amsterdam cung cấp cho Kiev khoản viện trợ quân sự lên tới 2 tỷ euro (khoảng 2,17 tỷ USD) trong năm nay.
Thông báo trên mạng xã hội, Tổng thống Zelensky cho biết: “ Văn kiện này cho phép hỗ trợ quân sự trị giá 2 tỷ euro từ Hà Lan, cũng như thúc đẩy hỗ trợ quân sự trong 10 năm tới”.
Thông tin trên được đưa ra sau cuộc gặp giữa lãnh đạo Ukraine và Hà Lan ở Kharkov. Hiện Kiev đang đối diện với sức ép gia tăng ở tiền tuyến trong những tháng qua, buộc nước này hối thúc các đồng minh phương Tây gửi thêm viện trợ. Tháng trước, Ukraine cho biết nước này chỉ nhận được khoảng 30% số đạn được mà Liên minh châu Âu cam kết chuyển, và đang gặp khó khăn trong cuộc chiến. Tình hình hiện nay buộc quân đội Ukraine phải rút khỏi thị trấn Avdeevka.