Theo Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, hiện cơ quan này đang triển khai chương trình cứu trợ trị giá 2,2 tỷ USD cho Kiev và giới chức nước này vừa đề nghị được bổ sung hỗ trợ tài chính khẩn cấp. Ban giám đốc IMF đã tổ chức cuộc họp để thảo luận về tình hình tại Ukraine và cam kết tiếp tục hỗ trợ hết sức có thể. Chương trình cho vay hiện tại sẽ kết thúc trong tháng 6 nhưng bà Georgieva cho biết cơ quan này có nhiều công cụ khác để thực hiện hỗ trợ khi cần. Bà cũng nhắc lại cảnh báo cuộc khủng hoảng ở Ukraine có thể gây tác động rộng hơn tới quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19. Bà cho biết IMF đang phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) hỗ trợ Ukraine. Trước đó, Chủ tịch WB David Malpass ngày 25/2 cho biết ngân hàng này chuẩn bị hỗ trợ ngay lập tức cho Ukraine.
Cũng trong ngày 25/2, hãng xếp hạng tín dụng S&P thông báo hạ mức xếp hạng tín dụng nhà nước dài hạn (ngoại tệ và nội tệ) của Ukraine từ mức "B" xuống "B-", phản ánh rủi ro tăng trưởng kinh tế và ổn định tài chính của quốc gia này trong bối cảnh khủng hoảng. S&P cho biết có thể tiếp tục hạ mức xếp hạng tín dụng của Ukraine khi bất ổn tiếp diễn dẫn đến khả năng thanh toán đối ngoại dần cạn kiệt, hệ thống tài chính hoặc năng lực quản trị của chính phủ dần suy yếu. S&P đánh giá tình hình xung đột tại miền Đông Ukraine đang làm gia tăng nguy cơ đe dọa triển vọng kinh tế đất nước nhưng hiện vẫn chưa thể định lượng cụ thể tác động về kinh tế.
Trong khi đó, hãng xếp hạng tín dụng Fitch cũng hạ mức xếp hạng nợ công của Ukraine từ mức "B" xuống "CCC". Theo Fitch, tình hình xung đột ở miền Đông Ukraine khiến rủi ro tài chính đối ngoại và tài chính công gia tăng, đe dọa ổn định tài chính vĩ mô và ổn định chính trị. Fitch lưu ý rằng xung đột kéo dài bao lâu với quy mô ra sao vẫn là điều chưa chắc chắn.
Hãng này cũng đánh giá khả năng thanh toán đối ngoại của Ukraine hiện ở mức khá thấp so với mức nợ 4,3 tỷ USD đồng thời cho rằng khả năng này sẽ tiếp tục suy giảm trong bối cảnh khủng hoảng. Ngoài ra, Fitch cảnh báo cú sốc với niềm tin thị trường trong nước sẽ gây tác động nghiêm trọng tới hoạt động kinh tế và đồng nội tệ, càng làm gia tăng áp lực lạm phát và biến động kinh tế vĩ mô mà nước này phải đối mặt. Việc phải tăng cường chi tiêu cho quốc phòng cũng được cho là sẽ gây thêm áp lực nợ công cho Ukraine.
Sau S&P và Fitchs, hãng xếp hạng tín dụng Moody cũng sẽ sớm công bố đánh giá mới dành cho Ukraine. Hiện hãng đang xem xét theo hướng hạ mức xếp hạng với quốc gia này.