Cuộc xung đột nổ ra từ tháng 2/2022 đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Ukraine và chính phủ nước này đã phải dựa vào viện trợ quốc tế để trang trải cho cả các chi tiêu quân sự, cũng như chi tiêu công. Gần đây, chính quyền Kiev cũng phải chật vật tìm cách xoay sở khi thỏa thuận tạm dừng các khoản thanh toán đối với một loạt trái phiếu quốc tế hết hạn vào ngày 1/8 tới.
Trong báo cáo gửi Sở giao dịch chứng khoán London, Chính phủ Ukraine cho biết đã “đạt được thỏa thuận về nguyên tắc” về việc tái cơ cấu nợ. Theo đó, các chủ nợ gồm BlackRock, Pimco và các tổ chức đầu tư lớn khác, xóa hàng tỷ USD giá trị nợ danh nghĩa và chấp thuận lịch trình thanh toán mới với các điều khoản có lợi hơn cho Kiev. Với việc được giảm 37% giá trị nợ danh nghĩa, Ukraine cho biết nước này sẽ tiết kiệm được 11,4 tỷ USD tiền trả nợ trong 3 năm tới.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - một đối tác quan trọng của Ukraine, hoan nghênh thông tin trên, đánh giá đây là nỗ lực lớn của Ukraine nhằm xử lý vấn đề nợ một cách bền vững. Theo IMF, chiến lược và các biện pháp tái cơ cấu của Chính phủ Ukraine là cần thiết để đưa nợ công của Ukraine trở lại mức có thể thanh toán, qua đó tạo điều kiện cho Kiev thực hiện các khoản chi tiêu thiết yếu và hỗ trợ tăng trưởng.
Nhóm các chủ nợ cũng vui mừng vì đã đạt được thỏa thuận nhanh chóng và mang tính xây dựng. Trong tháng 6, nhóm này đã từ chối đề nghị giảm nợ của Ukraine, với mức giảm lớn hơn. Trong vài tuần tới, các trái chủ sẽ bỏ phiếu về đề xuất này. Nếu thuận lợi, Chính phủ Ukraine sẽ phát hành trái phiếu mới. Theo đề xuất, một số trái phiếu mới phát hành sẽ bắt đầu trả mức lãi suất 1,75% từ năm tới, với các khoản thanh toán tăng dần lên tới 7,75% từ năm 2034.