Theo BBC (Anh), Ukraine đã phải chiến đấu với tình trạng tham nhũng tràn lan kể từ năm 1991, và các quan chức chính phủ nhận định rằng cuộc đấu tranh với tệ nạn này là chìa khóa để giành chiến thắng trong xung đột với Nga.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) xếp Ukraine ở mức cao nhất trong Chỉ số cảm nhận tham nhũng kể từ năm 2006. Hiện Ukraine hạ xuống vị trí thứ 104 trong 180 quốc gia thuộc bảng xếp hạng.
Andriy Borovyk, Giám đốc điều hành của Tổ chức Minh bạch Quốc tế Ukraine, đánh giá với đài BBC (Anh): “Hầu hết các cơ quan chống tham nhũng của Ukraine đang cho kết quả khá tốt”. Theo ông, một trong những ví dụ là vụ bắt giữ nhân vật đứng đầu Tòa án Tối cao Vsevolod Knyazev với tội danh hối lộ vào tháng 5/2023. Ông phân tích: “Đây có thể là một biện pháp phòng chống vì nếu thấy ai đó bị bắt, bạn sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi có hành vi tham nhũng”.
Ngoài ra còn có các vụ bắt giữ nhân vật cấp cao khác, bao gồm Bộ trưởng Nông nghiệp Mykola Solsky và sĩ quan của Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) Artem Shylo. Cả ba đều phủ nhận mọi hành vi sai trái và đã được tại ngoại. Các cuộc điều tra đang diễn ra.
Cột mốc quan trọng xuất hiện vào năm 2015, khi một nền tảng kỹ thuật số có tên Prozorro giúp giảm thiểu tham nhũng trong mua sắm của chính phủ, tiết kiệm cho Ukraine gần 6 tỷ USD tiền công chỉ trong 4 năm.
Ông Borovyk cho biết, nhiệm vụ của Ukraine hiện nay là tập trung vào việc loại bỏ tận gốc nạn tham nhũng trong dịch vụ thuế và hải quan, cũng như cải thiện giám sát tài chính. Ông bổ sung: “Phương Tây rót rất nhiều tiền vào Ukraine và tất nhiên họ tự hỏi liệu Kiev có kiểm soát phù hợp đối với số tiền này hay không”.
Trong những năm gần đây, tham nhũng đã cản trở dòng viện trợ nước ngoài đến Ukraine. Ông Donald Trump trong thời gian giữ chức Tổng thống Mỹ từng viện dẫn lo ngại về tham nhũng khi trì hoãn viện trợ cho Ukraine.
Tham nhũng cũng là trở ngại lớn cho việc tuyển mộ thêm nam giới tòng quân. Năm 2023, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã sa thải tất cả các quan chức khu vực phụ trách chế độ quân dịch vì lo ngại hối lộ. Hàng nghìn người Ukraine đã hối lộ để rời khỏi đất nước, tránh phải trực tiếp tham gia xung đột.
Ông Dmytro Kalmykov, người đứng đầu bộ phận chính sách chống tham nhũng tại Cơ quan phòng chống tham nhũng quốc gia Ukraine, đánh giá hối lộ gần như đã bị xóa bỏ ở một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, ví dụ như các dịch vụ cấp hộ chiếu, giấy phép.
Tuy nhiên, ông Kalmykov thừa nhận rằng chính phủ chưa đạt được nhiều thành công trong xóa bỏ tham nhũng tài nguyên thiên nhiên (khai thác mỏ, lâm nghiệp), quản lý độc quyền và trong các dự án cơ sở hạ tầng lớn.
Các nhà vận động đồng ý rằng chính phủ Ukraine đã tích cực hơn nhiều trong việc chống tham nhũng.
Các chuyên gia cho rằng chính phủ Ukraine cần quyết liệt hơn nữa trong chống tham nhũng. Điều này đặc biệt quan trọng trong thời gian xảy ra chiến sự. Ông Nikolov đánh giá: “Do đó, chống tham nhũng là vấn đề sống còn”.