Các cuộc gọi dồn dập trên là hệ quả của một thông điệp được đăng trên phương tiện truyền thông xã hội, tuyên bố rằng "từ 23h hôm trước đến sáng hôm sau, thuốc sát trùng sẽ được phân phối" thông qua hệ thống cung cấp nước. Nguồn tin trên cũng cho biết thuốc sát trùng này bao gồm nhiều loại whisky khác nhau.
Nhưng đó mới chỉ là một trong số những câu chuyện bịa đặt đang được lan truyền tại Ukraine kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát. Phát biểu trên truyền hình quốc gia hồi tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận: "Thông tin sai lệch lan truyền nhanh hơn nhiều so với virus". Chính ông cũng đã phải lên tiếng phủ nhận những câu chuyện bịa đặt về 400.000 người Ukraine đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Anh Alyona Romanyuk - người sáng lập một nền tảng trực tuyến để phản bác các thông tin sai lệch - cho biết: "Ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, chúng tôi đã nhận được 7 hoặc 8 yêu cầu mỗi ngày về việc xác minh thông tin. Ở thời điểm hiện tại, con số này đã lên tới khoảng 100 yêu cầu".
Trong số các thông tin đính chính bao gồm cả những tin đồn rằng giới chức Ukraine đã lên kế hoạch sử dụng trực thăng để phun thuốc khử trùng khử khuẩn cho khu vực thủ đô, hay những thông tin khẳng định rằng dịch vụ y tế dành cho phụ nữ mang thai và bệnh nhân ung thư tạm thời bị gián đoạn do COVID-19.
Theo thống kê chính thức của Bộ Y tế Ukraine, nước này đã ghi nhận 156 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 và 5 trường hợp tử vong. Mặc dù vậy, dư luận Ukraine nghi ngờ rằng con số thống kê của chính phủ vẫn thấp hơn nhiều so với con số thực tế.
Các cơ quan chức năng Ukraine cho biết những thông tin sai lệch thường xuất phát từ một bài đăng trên mạng xã hội Facebook, sau đó được chia sẻ qua hai ứng dụng Telegram hoặc Viber - những "sứ giả truyền tin" trực tuyến phổ biến ở Ukraine.
Ngày 24/3 vừa qua, cảnh sát an ninh mạng Ukraine tuyên bố đã xóa hàng chục tin nhắn giả mạo liên quan dịch COVID-19 trên phương tiện truyền thông xã hội. Trước đó một tháng, Cơ quan An ninh Ukraine cũng đã phát hiện các email giả mạo là của Bộ Y tế nước này phát tán thông tin sai lệch về dịch bệnh.
Bộ Y tế Ukraine gần đây cũng tăng cường đăng tải các thông báo chính thức trên Telegram và Viber. Ngày 25/3, bộ này cũng đã đạt được thỏa thuận với Google trong việc ưu tiên các nguồn chính thức khi cung cấp kết quả tìm kiếm, đồng thời tăng cường kiểm duyệt đối với các thông tin sai lệch.