Sự việc diễn ra hai tuần sau khi Bộ Tài chính Mỹ chuyển 20 tỷ USD vào quỹ của Ngân hàng Thế giới để chuyển cho Ukraine. EU cũng cam kết đóng góp thêm 20 tỷ USD vào quỹ này, trong khi các thành viên G7 là Anh, Nhật Bản và Canada sẽ đóng góp thêm 10 tỷ USD nữa. Tổng cộng là 50 tỷ USD về mặt lý thuyết sẽ được chuyển cho Ukraine trong vòng 40 năm.
"Khoản vay" mà thực chất Ukraine không phải trả này được cung cấp bằng tiền lãi thu được từ các tài sản có chủ quyền của Nga bị phương Tây tịch thu. Ước tính 300 tỷ USD thuộc về ngân hàng trung ương Nga đã bị Mỹ và các đồng minh đóng băng sau khi cuộc xung đột Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022.
“Chúng tôi hy vọng rằng tất cả các tài sản có chủ quyền của Nga sẽ bị tịch thu và được sử dụng để tái thiết Ukraine”, Thủ tướng Shmigal viết trong một bài đăng trên mạng X.
Trong một thông báo khác cùng ngày 24/12, ông Shmigal cho biết Ukraine cũng đã nhận được 1 tỷ USD từ Nhật Bản và Anh thông qua cùng một chương trình của Ngân hàng Thế giới.
Chính phủ, quân đội và các dịch vụ công của Ukraine hoàn toàn phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài kể từ năm 2022 và chi phí duy trì xung đột với Nga đã khiến nền tài chính của đất nước này rơi vào tình trạng hỗn loạn. Tháng trước, nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký phê chuẩn luật ngân sách năm tới. Theo luật này, dự kiến doanh thu của ngân sách Ukraine năm tài chính 2025 là 49 tỷ USD và chi tiêu là 87 tỷ USD, tổng thâm hụt là 37 tỷ USD.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng việc tịch thu tài sản của Nga sẽ làm suy yếu niềm tin toàn cầu vào Mỹ và các đồng minh của nước này, trong khi Điện Kremlin nhiều lần lên án việc đóng băng tài sản là hành động "trộm cắp" và lập luận rằng việc khai thác các khoản tiền này là bất hợp pháp và tạo ra tiền lệ nguy hiểm.
Người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov đã cảnh báo rằng Moskva sẽ có hành động pháp lý chống lại những người liên quan đến việc tịch thu tài sản.
Theo đài RT, như một phần của chiến dịch chiến tranh kinh tế chống lại Nga, phương Tây đã đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương Nga lên tới khoảng 260 tỷ euro, và 2/3 trong số đó được đóng băng tại quỹ Euroclear (tổ chức tài chính quốc tế, chuyên cung cấp dịch vụ thanh toán và lưu ký chứng khoán), có trụ sở tại Bỉ. Mặc dù không thể tiếp cận được với những chủ sở hữu hợp pháp người Nga, những tài sản này vẫn tạo ra lợi nhuận đáng kể, mà theo báo kinh doanh RBK của Nga, đã lên tới gần 10 tỷ euro chỉ riêng tại Euroclear.
Hôm 4/12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo Mỹ và EU sẽ bắt đầu chuyển những khoản đầu tiên trong 50 tỉ USD từ các tài sản bị phong tỏa của Nga cho Ukraine trong những tuần tới.
Ngoại trưởng Mỹ cho biết các đồng minh đang tiếp tục nỗ lực cung cấp cho Ukraine nguồn tài chính và các nguồn lực cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế và năng lực quốc phòng của nước này. Trong đó có việc cung cấp đạn dược, hệ thống phòng không, tên lửa và xe bọc thép.
Ông Blinken cũng lưu ý là Mỹ đã viện trợ cho Ukraine 102 tỉ USD kể từ năm 2022, trong khi các đồng minh và đối tác khác đóng góp 158 tỉ USD.