Uganda bắt đầu thử nghiệm vaccine ngừa virus Ebola Sudan

Ngày 3/2, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết Bộ Y tế Uganda đã bắt đầu thử nghiệm vaccine ngừa chủng virus Ebola Sudan với sự hỗ trợ của cơ quan Liên hợp quốc.

Chú thích ảnh
Các bác sĩ làm việc tại khu vực cách ly điều trị cho bệnh nhân nhiễm Ebola tại Mubende, Uganda. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, trên mạng xã hội X, ông Tedros cho biết việc thử nghiệm vaccine này diễn ra với “tốc độ kỷ lục”, trong khi vẫn đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về quy định và đạo đức của quốc tế và quốc gia.

Người đứng đầu WHO cho biết thử nghiệm này cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển vaccine, cũng như phương pháp điều trị, công tác chuẩn bị ứng phó với dịch bệnh và thúc đẩy quan hệ đối tác.

Ông nhấn mạnh đây một thành tựu quan trọng hướng tới việc chuẩn bị tốt hơn cho đại dịch, đồng thời khẳng định WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ chính phủ Uganda trong công việc ứng phó toàn diện để kiểm soát dịch bệnh.

Cuộc thử nghiệm được triển khai chỉ 4 ngày sau khi Uganda xác nhận đợt bùng phát dịch bệnh mới nhất. Thử nghiệm sử dụng vaccine do Sáng kiến Vaccine phòng chống AIDS quốc tế (IAVI) tài trợ, với sự hỗ trợ tài chính từ WHO và các đối tác. Theo WHO, 2.160 liều vaccine đã được chuyển đến Kampala từ ngày 31/1 để chuẩn bị cho việc thử nghiệm.

Những người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất, bao gồm nhân viên y tế và những người tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc Ebola, sẽ được ưu tiên tiêm vaccine. Phương pháp tiêm chủng "vòng tròn" sẽ được áp dụng, theo đó những người tiếp xúc với bệnh nhân mắc Ebola sẽ được tiêm vaccine đầu tiên, sau đó đến những người tiếp xúc với những người đã được tiêm. WHO cho biết “vòng tròn” tiêm chủng đầu tiên bao gồm 40 người, là những người đã tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với nhân viên y tế đã tử vong vì Ebola. 

Đây là lần thứ 6 Uganda phải đối mặt với đợt bùng phát Ebola Sudan, một chủng virus nguy hiểm chưa có vaccine được phê duyệt. Ebola lây truyền từ người sang người thông qua dịch cơ thể, với các triệu chứng chính là sốt, nôn mửa, chảy máu và tiêu chảy.

Thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ 2 đến 21 ngày, và người bệnh chỉ có khả năng lây nhiễm sau khi xuất hiện các triệu chứng. Đợt bùng phát dịch Ebola tồi tệ nhất xảy ra ở Tây Phi từ năm 2013 đến 2016, cướp đi sinh mạng của hơn 11.300 người. Cộng hòa Dân chủ Congo cũng phải hứng chịu hơn 10 đợt bùng phát dịch bệnh, trong đó đợt dịch lớn vào năm 2020 đã khiến 2.280 người tử vong.

Hồng Minh - Nguyễn An (TTXVN)
WHO triển khai nhóm y tế khẩn cấp hỗ trợ Uganda ứng phó dịch Ebola
WHO triển khai nhóm y tế khẩn cấp hỗ trợ Uganda ứng phó dịch Ebola

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã triển khai đội y tế khẩn cấp đến Uganda để hỗ trợ quốc gia Đông Phi này ứng phó với đợt bùng phát mới về dịch Ebola khiến một nhân viên y tế ở thủ đô Kampala tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN