Tỷ lệ sinh tại Philippines có thể đạt mức cao kỷ lục 20 năm vì COVID-19

Các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan khiến nhiều người không thể tiếp cận với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Điều này khiến tỷ lệ sinh tại Philippines có thể đạt mức cao nhất trong 20 năm qua.

Chú thích ảnh
Sự thiếu hụt thuốc tránh thai có thể khiến tỷ lệ sinh tại Phillippines cao kỷ lục. Ảnh: Getty

Theo The Guardian (Anh), lệnh phong tỏa vì dịch COVID-19 đã làm gián đoạn nghiêm trọng việc tiếp cận các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, và điều này có thể khiến số ca sinh tại Philippines bùng nổ cao nhất trong 2 thập kỷ.

Một ước tính cho thấy số phụ nữ không thể tiếp cận với các biện pháp kế hoạch hóa gia đình ở Philippines đã tăng 1/5 trong thời gian phong tỏa, lên tới 3.688.000 người.

Các dự án của Viện Dân số Đại học Philippines và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) cũng cho biết rằng sẽ có thêm 214.000 em bé được ra đời vào năm tới do việc mang thai ngoài ý muốn vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Điều này có nghĩa là có thể có tới gần 1,9 triệu ca sinh vào năm 2021, tỷ lệ sinh cao nhất từ năm 2000.

Theo đó, các biện pháp hạn chế đi lại được Chính phủ Philippines áp đặt hồi tháng ba đã khiến cả thai phụ và các nhân viên y tế không thể đến các phòng khám trong nhiều tháng. Hơn nữa, tình trạng thiếu dụng cụ tránh thai cũng đang xảy ra ở một số khu vực. Đặc biệt là ở các tỉnh và khu vực nông thôn xa thủ đô, thuốc tránh thai và bao cao su bị thiếu hụt trầm trọng.

Ông Nandy Senoc, Giám đốc Điều hành Tổ chức Kế hoạch hóa Gia đình của Philippines (FPOP), cho biết mọi công việc đều bị ảnh hưởng trong suốt thời gian phong tỏa. Mặc dù các biện pháp hạn chế đang dần được nới lỏng, giao thông công cộng vẫn bị gián đoạn, nhưng một số cơ sở kế hoạch hóa gia đình chỉ được phép mở cửa cho nhân viên nòng cốt nhằm đảm bảo giãn cách xã hội.

FPOP đang khuyến khích phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai có tác dụng lâu dài. Nhiều phòng khám của họ cũng đang liên hệ các nguồn cung cấp thuốc tránh thai lớn hơn, trong trường hợp các biện pháp hạn chế đi lại được tái áp đặt. “Dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản không được coi là ưu tiên hàng đầu trong các phản ứng của chính phủ trước đại dịch”, ông Nandy nói.

Tiến sĩ Esmeraldo Ilem, một giám đốc bệnh viện tại Manila vốn là khu vực tiếp nhận số lượng sản phụ đông đúc nhất cả nước, cho biết lượng bệnh nhân ngoại trú đến phòng khám kế hoạch hóa gia đình tại bệnh viện cũng đã giảm nhanh chóng trong những tháng gần đây.

Ngày càng có nhiều lo ngại về tác động của đại dịch COVID-19 đối với các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình trên toàn cầu. Tổ chức UNFPA dự đoán có tới 7 triệu ca mang thai ngoài ý muốn có thể xảy ra trên toàn thế giới do khủng hoảng dịch bệnh.

Các nhà hoạt động cũng đã đưa ra cảnh báo về sự gia tăng vấn nạn bạo lực gia đình trên toàn cầu, như các quốc gia Brazil, Đức, Italy và Trung Quốc.

Chú thích ảnh
UNFPA dự đoán có tới 7 triệu ca mang thai ngoài ý muốn có thể xảy ra trên toàn thế giới do khủng hoảng dịch bệnh. Ảnh: UNFPA

“Những người bị mắc kẹt trong nhà, bị lạm dụng sẽ không thể kiểm soát được sức khỏe sinh sản của họ. Bị giam cầm trong nhà và không thể ra ngoài, điều đó ảnh hưởng đến rất nhiều thứ, đặc biệt là việc đưa ra quyết định của người phụ nữ”, bà Tomoko Fukuda, Giám đốc Liên đoàn Phụ huynh có kế hoạch Quốc tế, tại khu vực phía Đông, Đông Nam châu Á và Châu Đại Dương, cho biết.

Tổ chức phi chính phủ cung cấp dịch vụ tránh thai và phá thai an toàn Marie Stopes International cũng đã cảnh báo hàng triệu ca phá thai không an toàn trên toàn cầu và hàng ngàn trường hợp người mẹ tử vong. Tại Philippines, việc phá thai là hành động bất hợp pháp.

Trong suốt thời gian phong tỏa, bà Mona Liza Diones, Quản lý của FPOP tại Iloilo, miền Trung Philippines, đã phải tổ chức các chương trình trực tuyến để đưa ra những lời khuyên hữu ích về sức khỏe sinh sản cho phụ nữ. Bà và các nhân viên của mình cũng đã đến tận nhà nhiều thai phụ để điều trị cho họ trong suốt thời gian phong tỏa.

“Mặc dù các biện pháp hạn chế đang dần được nới lỏng, việc cung cấp thuốc tránh thai cũng như thuốc men cho những người này còn rất hạn chế.Trước khi phong tỏa, chúng tôi có nguồn cung cấp dự trữ nhưng giờ đã hết. Nguồn cung chủ yếu của chúng tôi đến từ Manila, nhưng hiện tại chúng tôi đang ở địa phương và việc vận chuyển rất khó khăn”, bà nói.

Tính đến ngày 29/6, Philippines đã ghi nhận trên 35.400 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 với 1.244 ca tử vong. Trong đó, khu vực thủ đô Metro Manila là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh.

Hải Vân/Báo Tin tức
Cách ly tại nhà vì COVID-19 có làm bùng nổ tỷ lệ sinh sau 9 tháng?
Cách ly tại nhà vì COVID-19 có làm bùng nổ tỷ lệ sinh sau 9 tháng?

Nhiều người cho rằng tỷ lệ sinh sẽ bùng nổ sau 9 tháng tính từ thời điểm nhiều nước áp dụng biện pháp cách ly tại nhà để phòng chống dịch COVID-19. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN