Thế nhưng giống như những di sản mạng lưới đường sắt cũ kỹ ở khối Đông Âu, cung đường dọc sông Danube này có thể sẽ trở thành một mắt xích quan trọng trong một chiến dịch quy mô và phức tạp nhằm bảo đảm cung ứng lương thực từ Ukraine ra thị trường thế giới.
Lãnh đạo châu Âu đang chạy đua với thời gian nhằm tìm ra cách thức đưa ngũ cốc của Ukraine ra bên ngoài. Hoạt động xuất khẩu này gần như bị đình trệ do Nga kiểm soát các cảng biển lớn ở Ukraine, nhất là Odessa trên Biển Đen. Nga hồi tuần trước tuyên bố sẽ mở cửa hàng lang đường biển, dỡ phong tỏa cảng Odessa nếu phương Tây dỡ trừng phạt. Về phần mình, Ukraine nghi ngờ về khả năng này, xuất phát từ những lo ngại an toàn.
Nhiệm vụ giải phóng kho ngũ cốc ùn ứ ở Ukraine thêm phức tạp, do thiếu hụt lực lượng lái xe tải, cản trở vận chuyển bằng đường bộ. Cùng lúc, vận tải đường sắt cũng gặp thách thức lớn, do Ukraine và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) sử dụng khổ đường ray tiêu chuẩn khác nhau.
Theo Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Ukraine Taras Kachka, tồn tại một loạt những rào cản lớn. Trong 15 năm qua, Ukraine đã tập trung phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng theo hướng không thể dễ dàng thay thế chéo một điểm tập kết hàng hóa, một cảng biển nằm trong mạng lưới.
Để giải phóng kho lương thực ùn ứ lên đến 30 triệu tấn, Ukraine đang tìm cách mở rộng năng lực xuất khẩu thông qua tuyến biên giới phía Tây, đơn giản hóa các quy định thương mại với EU. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen hôm 24/5 cho biết EU đang gấp rút tìm kiếm giải pháp để đưa ngũ cốc bị ách tắc tại Ukraine ra thị trường toàn cầu thông qua “các tuyến hàng hải đoàn kết” tiếp cận các cảng biển châu Âu cũng như hỗ trợ tài chính cho các loại hình vận tải khác.
Đại sứ Ukraine tại Warsaw kỳ vọng Ba Lan sẽ là địa bàn trung chuyển khoảng 80% lượng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine. Tuy nhiên, giới hoạt động trong ngành vận tải cho rằng rất khó để hiện thực hóa những tuyên bố này khi nhìn vào bản đồ, nhất là mạng lưới đường sắt kết nối giữa Ukraine với châu Âu.
Tại Slovakia, nhà vận hành đã sử dụng 12 chuyến tàu để vận chuyển 18.000 tấn ngô từ Ukraine trong tháng 4 vừa qua. Vấn đề nằm ở chỗ là hàng hóa từ các toa tàu khổ rộng của Ukraine cần phải được chuyển sang các toa tàu có kích thước tiêu chuẩn của châu Âu ở Slovakia, hoặc là chuyển sang các container để vận tải bằng xe đầu kéo.
Ba Lan có tuyến đường sắt khổ rộng dài 400km kết nối vùng công nghiệp Silesia, phía tây nam nước này với Ukraine. Cung đường này chủ yếu được dùng để vận chuyển sản phẩm thép và thời gian gần đây là chở người tị nạn. Công ty điều hành mạng lưới đường sắt nhà nước PLK (Ba Lan) đã bắt đầu đầu tư nâng cao năng lực cho tuyến đường sắt này.
Hồi tháng 4, Ba Lan và Ukraine đồng ý thành lập một liên danh vận chuyển hàng hóa và đơn giản hóa thủ tục hải quan ở biên giới. Nhưng với tình trạng thiếu toa xe lửa, cũng như năng lực bốc dỡ đã tới hạn tại nhiều cảng của Ba Lant trên biển Baltic, nhiều người hoài nghi việc Ba Lan có thể sớm tăng lượng nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine lên trên 2 triệu tấn/tháng.
Ngay cả khi đạt mục tiêu này thì lượng hàng tồn kho vẫn lớn, bởi theo Giám đốc Câu lạc bộ Doanh nghiệp Nông nghiệp Ukraine, ông Roman Slaston, trung bình mỗi tháng Ukraine xuất khẩu từ 5-6 triệu tấn hàng qua các cảng ở Biển Đen trong điều kiện bình thường.
Tuyến đường sắt kết nối Reni (Ukraine) với Galati (Romania) thông qua Moldova chỉ một phần tương đối nhỏ trong mạng lưới vận tải xuất khẩu của Ukraine, nhưng nó cũng cho thấy những thách thức lớn trong khâu cải tạo, vận hành. TTS – công ty của Romania vận hành tuyến đường sắt Danube và cảng Constana, đã tiến hành phát quang cây cối để khai thông tuyến đường.
Romania muốn nâng cấp tuyến đường sắt đến Galati để giảm tình trạng tắc nghẽn ở cảng Constanta trên Biển Đen. Galati được kết nối đường sắt khổ rộng tương thích với hệ thống đường sắt của Ukraine và có thể giúp chuyển hướng vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine nhanh hơn.
Tháng trước, Thủ tướng Romania, Nicolae Ciuca cho biết chính quyền Bucharest muốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng đoạn đường sắt dài 4,6 km còn khuyết trên tuyến này, với dự kiến hoàn thành sau ba tháng. Nhưng theo TTS, hiện vẫn chưa rõ bên nào chịu trách nhiệm việc xây dựng này, vì tuyến đường sắt liên quan đến 3 nước và chịu sự quản lý của 3 công ty điều hành đường sắt khác nhau.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Romania bày tỏ hy vọng trong tuần này sẽ chọn ra được một công ty đứng ra xây dựng đoạn đường còn bị khuyết. Ông cũng sẽ có chuyến thị sát tới Galati cùng với đồng cấp người Ukraine.
“Trước đây, Ukraine xuất khẩu trung bình khoảng 20 triệu tấn quặng sắt/năm và một lượng hàng thậm chí còn nhiều hơn thế với ngũ cốc và chỉ bằng đường biển. Vì vậy, việc tìm ra giải pháp vận tải thay thế triệt để là không thể. Điều mà chúng tôi đang cố thực hiện là trợ giúp tối đa trong khả năng”, Giám đốc điều hành TTS, ông Petru Stefanut, bày tỏ. TTS đã vận chuyển được 200.000 tấn ngũ cốc, quặng kim loại từ Ukraine trong hai tháng qua và ông Stefanut tin tưởng lượng hàng sẽ tăng lên khi cung đường sắt Danube được hoàn tất và khai thác hiệu quả hơn.
Ukraine hiện tồn khoảng 30 triệu tấn ngũ cốc chưa xuất khẩu được. Bộ Nông nghiệp nước này cho biết lượng tồn kho có thể được bổ sung từ 30-40 triệu tấn nữa sau khi kết thúc thu hoạch vụ hè thu tới. Ngũ cốc có thể được tích trữ trong kho, nhưng nông dân Ukraine cần phải xuất được hàng mới có nguồn tiền để đầu tư cho các vụ mùa tiếp theo.
Trước đây, Kees Huizinga, một nông dân gốc Hà Lan sống ở Ukraine và là chủ nông trang với 400 nhân công, có thể thuê một xe tải loại 25 tấn chở ngũ cốc đến cảng Odessa trên Biển Đen và quay trở lại để vận chuyển chuyến hàng tiếp theo trong ngày. Nhưng để giao hàng trên cung đường bộ mới, các tài xế bây giờ phải mất một tuần đi lại, xếp hàng và làm các thủ tục kiểm tra, thông qua ở biên giới với Romania, với chi phí tăng ba lần.
Trước mắt, chưa thể sớm khôi phục hoạt động của các cảng của Ukraine trên Biển Đen. Litva đang đi đầu trong nỗ giải phóng ngũ cốc tồn đọng ở cảng Odessa, nhưng đó là nhiệm vụ khó khăn vì tình hình an ninh bất ổn ở Biển Đen. Litva có thể thông quan khoảng 8 triệu tấn hàng hóa/năm thông qua cảng Klaipeda của nước này. Nhưng Litva chỉ có thể xử lý 1 triệu tấn hàng hóa nhập khẩu bằng các tuyến đường sắt từ Ba Lan. Một chuyến vận chuyển ngũ cốc thử nghiệm bằng đường sắt đi từ Ukraine qua Ba Lan rồi đến Litva đã mất đến 3 tuần.
“Không có giải pháp vận tải thay thế cho vận tải hàng hải từ cảng Odessa có thể xử lý hết lượng ngũ cốc mà Ukraine đã tích lũy và sẽ tăng thêm trong mùa hè này… Chúng ta cần phải chấp nhận việc ngũ cốc ở Ukraine sẽ hư hại và một phần của thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, hoặc chúng ta cần phải tìm cách tháo gỡ tình trạng cảng Odessa bị phong tỏa”, Ngoại trưởng Litva, Gabrielius Landsbergis, phát biểu hôm 26/5.
Ở thời điểm hiện tại, giải pháp khả thi nhất vẫn là thông sử dụng kết hợp vận tải đường bộ, đường sắt với đường biển qua Romania, cảng Constanta và kênh Sulina nối Biển Đen với sông Danube.