Tương lai Syria đối mặt với 'bài toán khó'

Sự kiện Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị phe đối lập lật đổ, một mặt được cho có thể chấm dứt tình trạng rối ren xung đột kéo dài, nhưng mặt khác cũng đẩy quốc gia Trung Đông này tới một tương lai bất định.

Chú thích ảnh
Người tị nạn Syria trở về nhà từ Thổ Nhĩ Kỳ tại cửa khẩu Cilvegozu ở tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 18/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Phe đối lập do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) đứng đầu đã thành lập một chính phủ lâm thời dưới sự điều hành của Thủ tướng tạm quyền Mohammad Al-Bachir, nhằm duy trì hoạt động của các cơ quan nhà nước và dẫn dắt tiến trình chuyển tiếp chính trị. Thủ tướng lâm thời Mohammad Al-Bachir cam kết đảm bảo quyền của tất cả các cộng đồng, nhóm tôn giáo và sắc tộc khác nhau nhằm xây dựng một xã hội hòa nhập và đoàn kết. Quá trình chuyển giao quyền lực có thể kéo dài từ 18 tháng đến 4 năm, sau đó sẽ tiến tới bầu cử tự do.

Trả lời phỏng vấn với phóng viên TTXVN tại Israel, giáo sư Nir Boms - Chủ tịch Diễn đàn Nghiên cứu Syria, thuộc Trung tâm Moshe Dayan về Trung Đông và châu Phi của Đại học Tel Aviv - cho rằng tương lai của Syria là một trong những câu hỏi phức tạp nhất trong bối cảnh khu vực Trung Đông hiện nay. Việc xây dựng một nhà nước Syria hòa bình, ổn định và phát triển có thành công hay không sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sự ổn định nội bộ, quan hệ khu vực và vai trò của các cơ quan quốc tế.

Giáo sư Boms nhận định: “Syria đang trong giai đoạn chuyển tiếp. Trước mắt có hai khả năng, một là Syria sẽ xây dựng mô hình quốc gia tôn trọng các nhóm sắc tộc, hai là sẽ quay lại tình trạng xung đột nội bộ”.

Hơn một thập kỷ xung đột tàn phá đã làm thay đổi đáng kể cấu trúc dân số nước này, với khoảng 30% dân số phải tị nạn ra nước ngoài và một con số tương tự phải di tán trong nước. Đặc biệt, tương quan giữa người theo dòng Hồi giáo Sunni và Shiite tại Syria có sự biến đổi sâu sắc. Trước xung đột, Syria là một quốc gia với khoảng 23 triệu dân, trong đó người Alawite - một nhánh của dòng Hồi giáo Shiite chiếm 12% dân số, đóng vai trò là lực lượng chính điều hành đất nước, trong khi người Sunni lại chiếm đa số. Hiện người Sunni quay lại kiểm soát chính quyền, khiến các nhóm thiểu số như người Alawite và người Kurd cảm thấy lo ngại không còn được bảo vệ như trước đây. Đặc biệt, người Kurd còn phải đối mặt với các kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến tương lai của họ.

Sau khi chính quyền của ông Assad bị lật đổ, các cuộc giao tranh tiếp diễn giữa các nhóm vũ trang khác nhau, đặc biệt ở khu vực phía Bắc và Tây Bắc Syria. Các phe nhóm mở rộng lãnh thổ, chiếm nhiều khu vực trước đây do quân đội chính phủ kiểm soát. Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), với nòng cốt là các thành viên người Kurd, kiểm soát nhiều lãnh thổ tại miền Đông Syria, đặc biệt là khu vực bờ Tây sông Euphrates. Quân đội Quốc gia Syria (SNA) chiếm các vùng lãnh thổ ở miền Bắc Syria, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện SDF và SNA vẫn chưa đưa ra tuyên bố có hợp tác với Chính phủ lâm thời hay không, đồng thời vẫn tiếp tục giao tranh tại khu vực đập Tishrin.

Ngoài ra, một số khu vực từng do quân đội chính phủ Syria kiểm soát hiện chưa có lực lượng nào quản lý rõ ràng, dẫn đến tình trạng hỗn loạn và tranh giành quyền lực giữa các nhóm vũ trang. Xung đột kéo dài đang gây ra thảm họa nhân đạo nghiêm trọng, với hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa và cần hỗ trợ khẩn cấp. Việc chính quyền của ông Assad bị lật đổ cũng tạo ra làn sóng người tị nạn trở về nước, đặt ra thách thức lớn cho công tác tái thiết và ổn định xã hội.

Bên cạnh các vấn đề nội bộ, tương lai của Syria còn đối mặt với sự ảnh hưởng của các lực lượng bên ngoài. Chính phủ lâm thời Syria đã bắt đầu thiết lập quan hệ với cộng đồng quốc tế, thảo luận với chế độ cũ về tiến trình chuyển giao quyền lực và nhận được sự công nhận từ một số quốc gia. Nga và Iran, hai đồng minh của chính quyền Tổng thống Assad trước đây, đều bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ với chính quyền mới ở Syria. Tại khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đã chính thức mở lại Đại sứ quán ở Damascus sau hơn một thập niên đóng cửa.

Một số quốc gia Arập như Saudi Arabia  và Ai Cập bày tỏ thiện chí sẵn sàng thiết lập quan hệ với chính quyền mới tại Syria, nhằm thúc đẩy ổn định khu vực và hợp tác kinh tế. Mỹ và các nước phương Tây khác như Anh, Pháp, Đức và Liên minh châu Âu (EU) đều liên lạc với chính quyền mới ở Damascus. Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria đã gặp thủ lĩnh HTS để thảo luận về quá trình chuyển tiếp chính trị và kêu gọi tăng cường viện trợ nhân đạo cho Syria. Những động thái này cho thấy cộng đồng quốc tế đang tích cực thiết lập quan hệ với chính quyền chuyển tiếp ở Syria, nhằm hỗ trợ quá trình ổn định và tái thiết quốc gia này sau biến động chính trị.

Theo giáo sư Boms, mô hình quốc gia lý tưởng cho Syria là chia sẻ quyền lực và hòa nhập. Mô hình này cần tôn trọng quyền của các nhóm sắc tộc, tôn giáo và phụ nữ; tạo lập một chính phủ đại diện, hòa nhập và cân bằng quyền lực giữa các nhóm; và đảm bảo sự ổn định trong nước và hòa bình với các nước láng giềng. Chính phủ Syria cần đại diện cho tất cả các nhóm khác nhau. Sự cân bằng quyền lực giữa các nhóm sẽ giúp tránh xung đột sắc tộc và đảm bảo công bằng trong việc phân phối tài nguyên và quyền lợi.

Với cách tiếp cận này, một mô hình liên bang sẽ phát huy hiệu quả nhằm đảm bảo quyền lợi cho các nhóm khác nhau như người Kurd, Alawite và Sunni. Chính phủ trung ương cần mạnh nhưng không áp đảo quyền tự quyết của các khu vực. Chuyên gia này nhấn mạnh: "Nếu chính quyền Syria mới có thể tạo ra một mô hình quốc gia hòa nhập, tôn trọng các nhóm sắc tộc và tôn giáo, họ sẽ có cơ hội xây dựng một nền hòa bình bền vững. Một hệ thống liên bang sẽ giúp các nhóm cảm thấy được tham gia và không bị chính quyền trung ương áp đặt".

Bên cạnh đó, Syria cũng cần xây dựng các mối quan hệ ổn định với các nước láng giềng để tránh xung đột và nhận được sự hỗ trợ trong quá trình tái thiết. Chuyên gia Israel giải thích: "Xây dựng được nền hòa bình với các nước láng giềng, Syria sẽ trở thành một quốc gia đóng góp cho sự ổn định của khu vực. Chứng minh được thái độ hòa nhập và cởi mở, Syria sẽ được các quốc gia trong khu vực, bao gồm Liên đoàn Arập, sẵn sàng chào đón trở lại cộng đồng quốc tế. Syria cần sự giúp đỡ để tái thiết, nhưng các nhà đầu tư quốc tế sẽ chỉ tham gia nếu họ tin rằng những gì được xây dựng sẽ không bị phá hủy một lần nữa”.

Tuy nhiên, trong trường hợp Chính phủ mới ở Syria không thể đạt được sự hòa hợp và chia sẻ quyền lực, nước này có nguy cơ rơi vào tình trạng chia rẽ sắc tộc và tôn giáo. Các nhóm sắc tộc như Alawite, Sunni, người Kurd sẽ tiếp tục tranh giành quyền lực. Các sự kiện bạo lực gần đây giữa các nhóm cho thấy nguy cơ xảy ra các hành động trả thù lẫn nhau là rất cao. Giáo sư Boms cảnh báo nếu Syria không đạt được mô hình chia sẻ quyền lực, xung đột sắc tộc sẽ tiếp tục leo thang và nhà nước sẽ chỉ là một tập hợp rời rạc của các vùng lãnh thổ do các lực lượng khác nhau kiểm soát.

Có thể thấy tương lai của Syria là một bài toán khó và lời giải phụ thuộc không chỉ vào nỗ lực của chính quốc gia Trung Đông này mà cả sự hợp tác từ cộng đồng quốc tế. Hàng triệu người Syria vẫn đang sống trong tình trạng bấp bênh trong các khu dân cư bị tàn phá nặng nề. Để tái thiết thành công nền kinh tế bị tàn phá do hàng thập kỷ xung đột, Syria cần một nền chính trị ổn định. Trong đó, chính phủ nắm vai trò hòa giải, tạo điều kiện cho các nhóm tôn giáo và dân tộc khác nhau hợp tác xây dựng đất nước. Một mô hình thành công sẽ đưa Syria thành một biểu tượng của sự hòa nhập và tác động tích cực đến nền an ninh chung của khu vực. Ngược lại, nếu Syria quay trở lại tình trạng bất ổn, bạo lực giữa các phe nhóm tiếp diễn có thể đẩy Trung Đông vào một vòng xoáy bất ổn mới.

Đức Trung (TTXVN)
Các nhóm dân quân Iraq được Iran hậu thuẫn rút khỏi biên giới với Syria
Các nhóm dân quân Iraq được Iran hậu thuẫn rút khỏi biên giới với Syria

Các nhóm dân quân Iraq được cho là sẽ rút quân xa hơn khỏi biên giới Syria do áp lực khu vực và quốc tế nhằm ủng hộ giai đoạn chuyển tiếp của Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN