Tương lai nào cho Syria 'hậu IS'?

Chiến dịch quân sự quy mô lớn chống lực lượng khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở Syria đang dần đi đến hồi kết khi quân đội chính phủ giành quyền kiểm soát thành trì cuối cùng của tổ chức này ở Syria.

Binh sĩ và xe quân sự Syria trong chiến dịch chống IS tại thành phố al-Bukamal ngày 9/11. Ảnh: THX/TTXVN

Cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài gần 7 năm qua tại quốc gia Trung Đông này cũng đang có cơ hội sớm chấm dứt với việc Tổng thống Nga Vladimia Putin và Mỹ Donald Trump mới đây nhất trí "không có giải pháp quân sự" cho vấn đề Syria. Đây cũng là lúc mở ra tiến trình chuyển đổi chính trị tại Damacus, trước hết là tiến tới một thỏa thuận chính trị nhằm chia sẻ quyền lực giữa các bên, duy trì hòa bình để phát triển đất nước. Tuy nhiên, đây cũng chính là thời điểm phơi bày rõ nhất những mâu thuẫn "thâm căn cố đế" giữa các bên tại Syria cũng như các nước bảo trợ, đòi hỏi các bên phải thể hiện ý chí chính trị lớn hơn để thỏa hiệp và thu hẹp bất đồng.
         
Song song với chiến dịch hỗ trợ quân sự hiệu quả từ tháng 9/2015 nhằm giúp chính phủ Syria đẩy lui khủng bố, đảm bảo chủ quyền và khôi phục hòa bình, Nga cũng đang nỗ lực thúc đẩy đối thoại chính trị tại Syria. Cuộc gặp thượng đỉnh tại Sochi (Nga) giữa lãnh đạo 3 nước Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ về Syria đã nhất trí tổ chức Đại hội đối thoại dân tộc Syria  với sự tham gia rộng rãi của các phe phái tại quốc gia này nhằm tìm một giải pháp chính trị được các bên chấp thuận. Đây là một bước tiến đáng ghi nhận trong nỗ lực của 3 nước bảo trợ các vòng đàm phán tại Astana về Syria, sau những kết quả tích cực như thỏa thuận ngừng bắn khu vực và thiết lập các vùng an toàn tại thực địa.

Cuộc gặp thượng đỉnh ở Sochi chính là lời khẳng định rằng một trật tự mới đang được định hình tại khu vực này. Bản thân việc Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ có thể thống nhất quan điểm với nhau đã là một thành công bởi 3 nước này theo đuổi những mục tiêu khác nhau trong vấn đề Syria. Đại hội dân tộc Syria, nếu được tổ chức, có thể trở thành chất xúc tác cho các cuộc đàm phán liên quan như tiến trình đàm phán ở Geneva.
         
Trong bối cảnh cơ chế đàm phán tại Geveva do Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) tại Syria Staffan de Mistura chủ trì đã qua 7 vòng mà không đạt được kết quả đột phá, hội nghị cấp cao Sochi được xem là đặt nền móng cho một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt cuộc nội chiến dai dẳng gần 7 năm qua ở Syria, đồng thời đánh dấu vai trò nổi bật của Nga trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này. Đáng chú ý là hội nghị 3 bên nói trên diễn ra vài ngày sau cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Syria Bashar al-Assad ở Sochi là dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo Syria cũng ủng hộ sáng kiến trên.

Trong khi đó, các phe phái đối lập ở Syria cũng nhất trí cử một phái đoàn thống nhất để tham gia các vòng đàm phán ở Geneva trong tháng 11 này. Đây là những thông tin tích cực, mở ra cơ hội cho một giải pháp cuối cùng cho vấn đề Syria thời “hậu IS”.
         
Tuy nhiên, con đường hướng tới nền hòa bình lâu dài ở Syria chưa hẳn đã bằng phẳng. Dù IS sắp bị đánh bật hoàn toàn khỏi Syria, song nước này vẫn đang đứng trước tương lai bấp bênh. Sự suy tàn của IS sẽ không tự động mở đường tiến tới giải pháp cho cuộc xung đột lợi ích giữa các bên ở Syria cũng như các nước liên quan. Thậm chí, việc loại bỏ được "kẻ thù chung" là IS còn có thể làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn âm ỉ lâu nay.
         
Là một cường quốc đứng đầu liên quân tham gia chống IS tại Syria, Mỹ chắc chắn sẽ tiếp tục can dự vào tiến trình dàn xếp chính trị tại quốc gia này sau khi IS bị tiêu diệt. Quan điểm của Mỹ tại các cuộc đàm phán Geneva sắp tới dựa trên việc thúc đẩy 3 yếu tố: một tiến trình chuyển tiếp chính trị có ý nghĩa, vai trò đáng kể cho người Kurd và giảm bớt vai trò của Iran tại Syria. Ngoài mục tiêu về người Kurd có vẻ gần với quan điểm của Nga, Washington và Moskva vẫn chưa thể thu hẹp bất đồng đối với 2 yếu tố còn lại.


Mối bất hòa giữa Iran và Saudi Arabia cũng ảnh hưởng tới tiến trình chính trị tại Syria. Do nội chiến tại Syria mà ảnh hưởng của Iran trong khu vực đã tăng mạnh, điều khiến cả Saudi Arabia lẫn Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều lo ngại. Đó là chưa kể tới “sự bất mãn" của Ankara đối với việc Washington ủng hộ lực lượng người Kurd tại Syria, dù Thổ Nhĩ Kỳ có chung mục tiêu với Mỹ trong việc tìm kiếm sự quá độ chính trị có ý nghĩa và hạn chế Iran. Đặc biệt, các bên còn chia rẽ xung quanh những vấn đề chủ chốt như tương lai của Tổng thống Assad và tiến trình cải cách chính trị tại Syria.

Trong khi đó, sau khi đánh bại lực lượng khủng bố cực đoan, chính phủ của Tổng thống Assad còn phải đối mặt với vấn đề thống nhất đất nước vốn lâu nay bị "chia năm xẻ bảy" do mâu thuẫn giữa hàng chục phe nhóm, với hệ tư tưởng riêng và lực lượng địa phương ủng hộ khác nhau tùy theo sắc tộc hay tôn giáo. Và mỗi bên đều có nước ngoài bảo trợ. Trong điều kiện như vậy, việc thiết lập một nền hòa bình bền vững là nhiệm vụ vô cùng phức tạp, đòi hỏi phải có sự nhượng bộ từ tất cả các bên liên quan.

Trong bối cảnh hiện nay, đàm phán là con đường duy nhất để giải quyết bất đồng và đi đến thỏa hiệp. Tuy nhiên, chìa khóa cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria vẫn cần chờ vào kết quả các cuộc đàm phán tại Geneva, Astana, hay Sochi trong thời gian tới. Nhưng dù như thế nào thì tương lai của Syria cuối cùng cũng phải do chính người dân Syria quyết định.
  
Bạch Dương (TTXVN)
Đánh bại IS, quân Mỹ vẫn còn bám trụ tại Syria làm gì?
Đánh bại IS, quân Mỹ vẫn còn bám trụ tại Syria làm gì?

Mặc dù đưa quân vào Syria với tuyên bố tham gia chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, song khi các tay khủng bố đang dần bị đánh bại, thì Mỹ lại khẳng định sẽ không rút quân về nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN