Tương lai mờ mịt của các khu chợ đêm Bangkok sau dịch COVID-19

Dù đã được phép hoạt động trở lại sau khi nới lỏng các hạn chế vì dịch COVID-19, tuy nhiên các khu chợ đêm sầm uất tại Bangkok vẫn phải kiềm chế hoạt động vì lo sợ lệnh cấm bán rượu bia có thể được đưa ra một lần nữa.

Chú thích ảnh
Nhiều người bán hàng rong đeo khẩu trang tại khu phố Tàu, sau khi chính phủ dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Ảnh: Reuters

Mặc dù vẫn phải tuân thủ quy định giãn cách xã hội, nhưng nhiều tiệm làm tóc, cửa hàng và các quầy bán đồ ăn đường phố tại khu phố Tàu ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) đã quay trở lại hoạt động thường ngày. Chính phủ Thái Lan đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa và lệnh cấm bán rượu bia sau khi đạt được những thành tựu trong việc kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), Thái Lan đã ghi nhận sự gia tăng ít hơn của các trường hợp mắc COVID-19 trong những ngày gần đây. Tính đến ngày 6/5, nước này đã có 2.989 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 và 55 ca tử vong với trên 2.700 ca hồi phục. Tuy nhiên, sẽ phải mất một thời gian dài để cuộc sống về đêm trên các khu phố nổi tiếng ở thủ đô Thái Lan hồi sinh hoàn toàn bởi các siêu thị và cửa hàng chỉ được phép bán rượu bia trong thời gian thử nghiệm 14 ngày.

Dù đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa, nhưng Thái Lan vẫn siết chặt giờ giới nghiêm ban đêm, cấm người dân ra khỏi nhà trong khoảng thời gian từ 10 giờ tối đến 4 giờ sáng, các địa điểm giải trí vẫn phải đóng cửa. Những khu giải trí ban đêm được yêu cầu đóng cửa sau khi xuất hiện các trường hợp mắc bệnh COVID-19 liên quan đến một quán bar ở khu vực Thonglor vào tháng 3. Điều này đã làm đình trệ lĩnh vực tạo ra hàng triệu việc làm, tạo doanh thu thuế và như một chiếc nam châm thu hút du khách quốc tế.

Chú thích ảnh
Quán ăn tại khu phố người Hoa (Chinatown) ở Bangkok. Ảnh: Reuters

Năm 2019, Bộ Du lịch Thái Lan đã đề xuất cho phép các quán bar mở cửa đến 4 giờ sáng thay vì đóng cửa lúc 1 giờ sáng, nhằm tăng chi tiêu khách du lịch lên 25% so với mức ước tính 5.000 - 6.000 baht (154 - 185 USD)/người khi dành một đêm đi chơi.

Chú thích ảnh
Thiên đường ẩm thực tại Chinatown của Bangkok. Ảnh Reuters

Cô Panisara Palas – chủ quán cà phê Amber tại khu chợ đêm Sukhumvit, nơi nổi tiếng thu hút khách du lịch nước ngoài – cho biết lệnh phong tỏa khiến cô không thể thanh toán tiền thuê nhà. Thu nhập chính của cô chủ yếu từ việc bán đồ uống, còn dịch vụ giao đồ ăn mà cô cung cấp thêm hiện không mang lại nhiều lợi nhuận.

“Chúng tôi đã được giảm một nửa giá thuê nhà vào tháng 4, nhưng trong tháng này họ sẽ xem xét lại có tiếp tục giảm giá thuê nhà hay không. Tôi đã đề nghị chủ nhà lấy 40% doanh thu bán hàng của tôi nhưng họ đã từ chối”, Panasira nói và cho biết cô không thể bán bia trong tháng này, vì dự trữ chúng vô cùng rủi ro nếu việc bán rượu bia có thể bị cấm lại.

Tuy nhiên, rõ ràng vẫn còn một cơn khát với các loại đồ uống có cồn ở Thái Lan, khi người dân trên khắp đất nước đổ xô đến các siêu thị để dự trữ đồ uống sau khi lệnh cấm bán hàng kéo dài gần một tháng đã được dỡ bỏ vào hôm 3/5.

Chú thích ảnh
Một người phụ nữ mua bia trong một siêu thị ở Bangkok sau khi chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm bán rượu bia. Ảnh: Reuters

Các video lan truyền cảnh người dân tấp nập đến mua rượu đã khiến Công chúa Ubolratana Rajakanya - em gái nhà vua Maha Vajirusongkorn -  vô cùng lắng khi người dân không tuân thủ các hướng dẫn giãn cách xã hội. Cô lo ngại điều này có thể dẫn đến sự gia tăng các trường hợp nhiễm virus mới, do các cuộc tụ họp xã hội diễn ra sau đó.  

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha hôm 5/5 cho biết nếu các cửa hàng không thể đưa ra giới hạn về lượng rượu bán ra và thời gian có thể mua, lệnh cấm có thể sẽ được áp đặt lại.

Pongphan Suepsangthai, một nhân viên pha chế ở Bangkok, người đã làm việc trong ngành pha chế 22 năm, cho rằng sự không chắc chắn của chính phủ đã dẫn đến nhiều cửa hàng như quán cà phê Amber vẫn đóng cửa, vì họ cố gắng tuân thủ luật pháp. Ước tính 10.000 nhân viên pha chế sẽ phải tiếp tục nghỉ việc tại Thái Lan.

Ông Pongphan nói thêm rằng vì các nhà hàng đã mở cửa trở lại, họ cũng nên được phép phục vụ đồ uống có cồn để ít nhất 40% nhân viên pha chế có thể quay trở lại làm việc. Một quán bar nhỏ thường thuê ít nhất 5 nhân viên pha chế, và một khách sạn thường có khoảng 40 nhân viên trong số họ làm việc theo ca.

“Hơn nữa, uống rượu trong một môi trường có kiểm soát, nơi khách hàng phải công khai danh tính như một phần của các quy tắc xa cách xã hội sẽ làm cho việc kiềm chế sự bùng phá dịch bệnh COVID-19 hiệu quả hơn”, ông Pongphan nói.

Chú thích ảnh
Khách du lịch đi ngang qua một khách sạn trên đường Khaosan vắng vẻ. Ảnh: EPA

Việc đóng cửa các doanh nghiệp trong lĩnh vực giải trí Thái Lan cũng đã khiến nhiều người liên quan như các DJ hay các nhạc sĩ phải vật lộn mưu sinh. Brick Bar – một hộp đêm hoạt động lâu đời ở đường Khaosan, thủ đô Bangkok - gần đây phải ra mắt các buổi biểu diễn âm nhạc trực tuyến để kiếm thêm thu nhập.

“Một số nhạc sĩ đã phải chuyển sang làm tài xế cho các dịch vụ giao hàng để trang trải cuộc sống”, quản lý câu lạc bộ đêm Khunpreetài yapron Thongsiripongpuk, nói.

Chú thích ảnh
Một DJ phát trực tiếp được đặt trong quán bar Susie Q trên đường Khaosan. Ảnh: Reuters

DJ Parkin Wattanavekin, người có hợp đồng biểu diễn thường xuyên tại các câu lạc bộ, đám cưới và các buổi tiệc đã bị hủy bỏ kể từ tháng 3, cho biết các DJ sẽ phải nghỉ việc ít nhất một hoặc hai năm tới, cho đến khi có vaccine phòng bệnh COVID-19.

Parkin cho biết anh không nộp đơn xin hỗ trợ tiền mặt từ chính phủ vì nghề nghiệp của anh không được hệ thống đăng ký trang web công nhận.

“Chúng tôi chỉ mong muốn công việc trở lại thường ngày. Chúng tôi biết rằng công việc của mình chiếm số ít trong lực lượng lao động và công việc của mình ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác, điều đó là không đáng. Chúng tôi chỉ muốn chính phủ có thể hỗ trợ những người như chúng tôi”, anh nói.

Hải Vân/Báo Tin tức
Thái Lan cân nhắc giai đoạn nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tiếp theo
Thái Lan cân nhắc giai đoạn nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tiếp theo

Từ đầu tháng này, Thái Lan bước vào giai đoạn 1 nới lỏng các biện pháp nghiêm ngặt phòng chống dịch COVID-19, mặc dù Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn còn hiệu lực cho tới ngày 31/5.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN