Báo South China Morning Post (Trung Quốc) vừa đã đăng bài viết ca ngợi thành công của ngoại giao Việt Nam của Tiến sĩ Lê Thu Hương, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Australia, đồng thời là nhà nghiên cứu tại Viện Yusof Ishak ở Singapore.
Các Trưởng đoàn trao đổi ý kiến trên đường đến địa điểm chụp ảnh chung, sau khi kết thúc phiên họp kín thứ nhất Hội nghị các Nhà lãnh đạo Kinh tế APEC lần thứ 25. Ảnh: TTXVN |
Theo bài viết, ngành ngoại giao Việt Nam vừa trải qua một tuần lễ trọng đại khi lần thứ hai đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác châu Á Thái Bình Dương (APEC). Việt Nam đã cố gắng duy trì hướng tiếp cận theo đuổi một sự cân bằng trong khu vực.
Bên cạnh đó, đáng chú ý phải kể tới sự xuất hiện lần đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump ở APEC - một diễn đàn đa phương của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong chuyến thăm này, Mỹ-Việt Nam đã ký các hợp đồng về động cơ và dịch vụ cho ngành hàng không và năng lượng với tổng giá trị lên tới 12 tỷ USD.
Tạp chí The Diplomat cũng đăng bài viết nhận định Việt Nam một lần nữa chứng tỏ kỹ năng ngoại giao khôn khéo khi cân bằng được hai cường quốc là Trung Quốc và Mỹ để đảm bảo lợi ích quốc gia.
Bài viết điểm lại trong Tuần lễ Cấp cao APEC vừa qua, Việt Nam đã đạt được 2 tuyên bố chung - một với Mỹ và một với Trung Quốc. Trong tuyên bố chung với Mỹ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Donald Trump đã tái khẳng định việc tăng cường và mở rộng quan hệ Đối tác Toàn diện giữa 2 nước thông qua thúc đẩy thương mại, đầu tư và làm sâu sắc hơn hợp tác về quốc phòng, an ninh. Trong tuyên bố chung với Trung Quốc, lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường hợp tác về kinh tế và thương mại, công nghiệp, đầu tư, cơ sở hạ tầng và tài chính.
Trong khi đó, báo News Strait Times của Singapore ngày 16/11 đăng bài viết về sự nghiệp đổi mới của Việt Nam của Bộ trưởng Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia Mustapa Mohammed, trong đó nhấn mạnh nhiều quốc gia khác, trong đó có Malaysia có thể học hỏi từ Việt Nam - nước chủ nhà Hội nghị cấp cao APEC năm nay.
Theo bài viết, những trải nghiệm lịch sử đã giúp Việt Nam có một quyết tâm cháy bỏng để gìn giữ nền độc lập bằng cách hoàn thành xuất sắc tất cả các công việc của mình. Năm 1986, Việt Nam, một nền kinh tế kế hoạch, đã khởi xướng “hàng loạt cải cách” được mọi người biết đến với tên gọi “công cuộc Đổi mới”.
Nỗ lực “mở cửa” của Việt Nam được phản ánh qua việc Việt Nam đã trở thành thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995, thành viên của APEC năm 1998, thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007… Lợi ích từ những hoạt động cải cách và mở cửa biểu hiện rất rõ. Việt Nam hiện là một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN. Năm nay, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến tăng trưởng nhanh nhất ASEAN. Những nguồn vốn này đã tạo ra hàng trăm nghìn việc làm và gia tăng các nguồn lợi từ xuất khẩu.
Bài viết nhấn mạnh Malaysia nên chú ý tới tấm gương Việt Nam khi Việt Nam đang có một vị trí quan trọng trong khu vực và trên thế giới nhờ ý chí của người dân, hệ thống giáo dục tốt và những cam kết quốc tế mang tính xây dựng, cũng như chính sách mở cửa cho thương mại và đầu tư nước ngoài.
Trước đó, tạp chí The Independent của Anh có bài viết đánh giá cao sự đóng góp của Việt Nam cho tăng trưởng bao trùm ở khu vực khi Việt Nam đề xuất chủ đề và những ưu tiên của năm APEC 2017. Bài viết nhấn mạnh sáng kiến về thúc đẩy tính bao trùm trong phát triển kinh tế, xã hội và tài chính trong khu vực.
Sáng kiến này đã đáp ứng được mối quan tâm của các nền kinh tế APEC về việc đảm bảo cho người dân và doanh nghiệp được tham gia đầy đủ và chia sẻ lợi ích một cách công bằng từ tăng trưởng và các liên kết về kinh tế trong bối cảnh sự bất bình đẳng và khoảng cách phát triển ngày càng tăng; tái khẳng định vai trò thực tế của APEC, góp phần hình thành một cộng đồng APEC phát triển bền vững và bao trùm.
Chủ đề, những ưu tiên và sáng kiến Việt Nam đề xuất đã đáp ứng mối quan tâm và lợi ích của các nền kinh tế APEC, doanh nghiệp và người dân, phù hợp với xu thế chung về hợp tác quốc tế, đóng góp cho chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực, bao gồm phát triển bền vững và phát triển lấy con người làm trung tâm.
Bài viết kết luận, thông qua việc đăng cai tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC 2017, Việt Nam không chỉ tái khẳng định chính sách hội nhập quốc tế sâu rộng và coi trọng châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm các cơ chế hợp tác khu vực như Diễn đàn APEC, mà còn làm nổi bật tầm nhìn chiến lược về một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và năng động, tiếp tục là động lực cho tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu.