Trang Axios (Mỹ) dẫn một số nguồn thạo tin cho biết Israel có thể trả đũa cuộc tấn công tên lửa tối 1/10 của Iran bằng cách nhắm vào cơ sở hạ tầng chiến lược, chẳng hạn như giàn khoan dầu của Tehran.
Bên cạnh đó, tấn công vào hệ thống phòng không của Iran cũng là một trong những phương án được cân nhắc.
Axios cho biết việc chưa có quyết định cụ thể hơn một phần là do Israel mong muốn phối hợp với Mỹ. Theo trang tin này, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dự kiến sẽ điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Tờ The Times of Israel nhận định, tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Iran có thể tàn phá nền kinh tế của đất nước này, và có thể dẫn đến leo thang khác, gần một năm sau khi xung đột Israel-Hamas bùng phát.
Iran tuyên bố việc phóng hơn 180 tên lửa nhằm vào Israel tối 1/10 để đáp trả vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah và chỉ huy Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Abbas Nilforoushan. IRGC cảnh báo Israel sẽ phải đối mặt với các cuộc tấn công "nghiền nát" nếu trả đũa.
Về phần mình, Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh sau vụ tấn công rằng Iran đã phạm một sai lầm lớn và sẽ phải trả giá. Ông Netanyahu cảnh cáo: "Bất kỳ ai tấn công chúng tôi, chúng tôi sẽ tấn công họ".
Dưới đây là video về tên lửa Iran trên bầu trời Jerusalem tối 1/10 (nguồn: Reuters):
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Ngoại giao Israel Israel Katz ngày 2/10 cho biết Israel cấm Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres nhập cảnh vào nước này. Ngoại trưởng Katz lý giải nguyên nhân dẫn đến quyết định này là do Tổng thư ký Antonio Guterres đã không "lên án rõ ràng" cuộc tấn công bằng tên lửa lớn của Iran. Ngay sau cuộc tấn công của Iran, ông Guterres đã lên án tình trạng leo thang bạo lực trong khu vực, nhưng không đề cập đến Tehran.
Các chuyên gia cho biết cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran vào Israel tối 1/10 lớn hơn, phức tạp hơn và có vũ khí tiên tiến hơn so với cuộc tấn công tương tự vào tháng 4. Do đó, gây áp lực lớn hơn lên hệ thống phòng không của Israel.
Mặc dù các mảnh vỡ từ hơn 180 tên lửa vẫn đang được thu thập và phân tích, nhưng các chuyên gia nhận định Iran dường như đã sử dụng tên lửa Fattah-1 và Kheybarshekan trong cuộc tấn công mới nhất, cả hai đều có tầm bắn khoảng 1.400 km. Iran tuyên bố cả hai tên lửa đều có đầu đạn cơ động và sử dụng nhiên liệu rắn, đồng nghĩa với việc chúng có thể được phóng nhanh chóng và khó phát hiện trước.
Trung Quốc đã kêu gọi các cường quốc thế giới ngăn chặn tình hình ở Trung Đông trở nên tồi tệ hơn. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ: "Trung Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các cường quốc có ảnh hưởng lớn, thực sự đóng vai trò xây dựng và ngăn chặn tình hình xấu đi hơn nữa”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Saudi Arabia Faisal al-Ibrahim cho biết đất nước của ông kỳ vọng về "giảm leo thang và đối thoại".
Điện Kremlin ngày 2/10 đánh giá tình hình ở Trung Đông đang diễn biến theo hướng đáng báo động và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng Nga đã liên lạc với tất cả các bên trong khu vực. Ông Peskov đồng thời khẳng định Moskva lên án bất kỳ hành động nào gây ra cái chết của người dân thường.