Trên bàn làm việc của thám tử Ted Kavowras ở Hồng Công (Trung Quốc) lúc nào cũng có một dãy chai rượu whiskey. Nhưng Kavowras không dùng những chai rượu này cho các cuộc chè chén. Đó là sản phẩm của những cơ sở làm rượu giả mà Kavowras từng điều tra, giúp chính quyền đóng cửa những cơ sở này.
Thám tử Kavowras sau khi hóa trang thành một người tìm mua hàng giả. Ảnh: AFP/TTXVN |
Kavowras – một cựu nhân viên Sở cảnh sát New York (Mỹ) - và công ty điều tra Panoramic của ông đang ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong cuộc chiến với nạn sản xuất hàng giả lan tràn của Trung Quốc. Văn phòng công ty của Kavowras chất đầy đồ hóa trang và phụ kiện có giấu máy quay mà ông và các cộng sự thường dùng để “diễn” trong mỗi cuộc điều tra. Để xâm nhập cơ sở làm hàng giả, họ thường vào vai các thương gia Trung Đông hay những nhà buôn châu Âu, Mỹ Latinh muốn tìm nguồn hàng rẻ hòng kiếm lời nhanh.
Trong bối cảnh Trung Quốc là nơi sản xuất tới 2/3 lượng hàng giả trên thế giới, những công ty như Panoramic ngày càng được trọng dụng. Panoramic thường hợp tác với các thương hiệu lớn trên thế giới như hãng sản xuất đồ thể thao New Balance, hãng sản xuất đồng hồ hàng hiệu Bulova... Họ chỉ có 10 nhân viên làm việc trong một văn phòng chật hẹp ở Hồng Công và một số cơ sở kín đáo ở Trung Quốc đại lục.
Ông Kavowras nói: “Chúng tôi làm những gì mà nhà điều tra Trung Quốc không thể làm, bởi họ không thể đóng giả người nước ngoài để mua hàng”. Ông kể lại, một lần ông và các đồng nghiệp đã dụ được bọn sản xuất thuốc giả đến một khách sạn để giao hàng. Bọn chúng tin tưởng ông đến nỗi chúng bình tĩnh ngồi hút thuốc lá và giao hàng mà không biết cảnh sát đang theo dõi qua máy quay phim ngay phòng bên cạnh.
Một vụ làm hàng giả nữa mà ông Kavowras vừa phá thành công gần đây liên quan đến một thương hiệu quần áo nổi tiếng. Thương hiệu này tìm cách thâm nhập thị trường châu Âu nhưng chưa kịp bán hàng thì đã phát hiện ra rằng các sản phẩm mang nhãn hiệu của hãng, tất nhiên là hàng nhái, đã có mặt ở đây từ trước. Panoramic đã mở cuộc điều tra ở Amxtécđam (Hà Lan) và Viên (Áo) với sự hỗ trợ của các chính quyền Trung Quốc và châu Âu. Kết quả là họ đã khám phá ra khoảng 30 - 40 nhà máy Trung Quốc tham gia sản xuất và buôn bán các sản phẩm nhái nêu trên. Cơ quan hải quan đã tịch thu số lượng hàng hóa trị giá 400.000 USD và đóng cửa toàn bộ những nhà máy này.
Nạn làm hàng giả và vi phạm bản quyền diễn ra phổ biến, công khai tại nhiều khu vực ở Trung Quốc, khiến lực lượng chức năng bị chỉ trích là chưa có biện pháp đối phó thỏa đáng. Tuy nhiên, theo ông Kavowras, các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã rất nỗ lực trong cuộc chiến với nạn làm hàng giả, chỉ có điều “họ bị quá tải”. Kavowras cho rằng, chính nhu cầu tiêu thụ hàng giả ở nước ngoài đã khiến nạn làm hàng giả ở Trung Quốc bùng nổ và phát triển rộng.
Với kinh nghiệm trong nghề, ông Kavowras cho rằng những doanh nghiệp nào muốn thâm nhập môi trường kinh doanh nhiều mạo hiểm ở Trung Quốc nên đăng ký nhãn hiệu của họ trước để có cơ sở pháp lý đấu tranh khi hàng của mình bị làm giả.
Thùy Dương