Kỳ họp năm nay mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì được tổ chức trước thềm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 7/1921). Đây cũng là giai đoạn chuẩn bị tổng kết và đánh giá việc thực hiện các mục tiêu được đề ra tại Đại hội lần thứ XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2017, trước khi diễn ra Đại hội Đảng lần thứ XX dự kiến vào năm 2022. Nhiều vấn đề nghị sự quan trọng tác động sâu rộng tới đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của Trung Quốc cùng với những điều chỉnh từ nền tảng luật pháp đến cơ cấu bộ máy chính phủ đã được xem xét, thông qua tại kỳ họp lần này.
Nội dung chủ yếu trong chương trình nghị sự của kỳ họp quốc hội Trung Quốc năm nay là thảo luận về Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) và những mục tiêu dài hạn đến năm 2035. Chính phủ Trung Quốc xác định năm 2021 sẽ là năm có ý nghĩa đặc biệt, mở màn cho giai đoạn 5 năm đầu tiên của chặng đường mới xây dựng đất nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa toàn diện và tiến tới “mục tiêu 100 năm” thứ hai. Tại Đại hội lần thứ XIX, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đặt ra “hai mục tiêu 100 năm”: Đến năm 2021 (100 năm thành lập Đảng), hoàn thành xây dựng xã hội khá giả toàn diện và đến năm 2049 (100 năm thành lập nước CHND Trung Hoa), xây dựng thành công nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa.
Để thực hiện thành công những mục tiêu trên, Trung Quốc tiếp tục tăng cường cải cách trên mọi lĩnh vực và ngày càng đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế, đồng thời có thể trở thành quốc gia có thu nhập cao vào cuối Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (năm 2025) và tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế vào năm 2035.
Quyết tâm cải cách được thể hiện trước hết ở các nỗ lực đổi mới về chính trị, trong đó Quốc hội Trung Quốc kiên quyết bảo vệ quyền lực của Hiến pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy nhanh các bước lập pháp trọng điểm; đi sâu cải cách nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, thúc đẩy phân cấp, phân quyền quản lý và tối ưu hóa dịch vụ; đẩy nhanh xây dựng môi trường kinh doanh thị trường hóa, pháp trị hóa và quốc tế hóa. Bên cạnh đó, Quốc hội Trung Quốc cũng đẩy mạnh xây dựng chính phủ số.
Trên cơ sở ổn định tài chính, ổn định việc làm, năm 2021, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh thực hiện các cải cách nền kinh tế, đẩy mạnh nâng cấp sản xuất công nghiệp để đón nhận thời kỳ chuyển đổi nhanh. Xuất phát từ việc tăng tốc chuyển đổi và cải cách nền kinh tế, Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2021 ở mức 6% trở lên, tạo thêm 11 triệu việc làm mới trong bối cảnh nền kinh tế thứ hai thế giới đang dần hồi phục sau một năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19.
Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 đề ra các biện pháp để nuôi dưỡng mô hình phát triển mới lấy thị trường trong nước làm trụ cột, đồng thời để thị trường trong và ngoài nước thúc đẩy lẫn nhau, kết nối “hai mục tiêu 100 năm” và đảm bảo một khởi đầu tốt đẹp trong việc xây dựng hoàn chỉnh đất nước XHCN hiện đại. Đáng chú ý, trong 5 năm tới, các chính sách của Trung Quốc sẽ được xây dựng xoay quanh chiến lược “tuần hoàn kép” mới, gồm "tuần hoàn trong nước" và "tuần hoàn quốc tế" - lần đầu tiên được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố hồi tháng 5/2020 - trong đó Trung Quốc đang tìm cách tạo ra một nền kinh tế trong nước tự cường hơn để tăng trưởng và đổi mới công nghệ, thay thế cho tăng trưởng thâm dụng vốn, xuất khẩu giá trị thấp và công nghệ nhập khẩu như trước đây. Trung Quốc cũng thúc đẩy phát triển xã hội và kinh tế theo hướng chuyển đổi xanh toàn diện, đồng thời nỗ lực đẩy mạnh chiến lược "Made in China 2025" thông qua các kế hoạch toàn diện để nâng cấp năng lực sản xuất trong 8 lĩnh vực ưu tiên, từ đó giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Song hành với đó, Trung Quốc cũng kiên trì dùng đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển; coi tự lập tự cường về công nghệ là trụ cột chiến lược để phát triển đất nước; đẩy nhanh phát triển số hóa, xây dựng Trung Quốc số hóa.... Quốc hội Trung Quốc cũng cam kết giảm thiểu 18% lượng phát thải khí carbon trong vòng 5 năm tới, tương ứng với mục tiêu mà nước này đề ra trong giai đoạn phát triển kinh tế 5 năm trước đó, hướng tới thực hiện cam kết đảm bảo Trung Quốc đạt được trung hòa carbon vào năm 2060.
Có thể nói những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội Trung Quốc đạt được trong thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2015-2020) đang tạo đà thuận lợi để quốc gia này triển khai Kế hoạch 5 năm lần thứ 14. Tình hình vận hành kinh tế nhìn chung ổn định, cơ cấu kinh tế tiếp tục được tối ưu hóa, GDP tăng từ mức dưới 70.000 tỷ Nhân dân tệ (hơn 10.000 tỷ USD) lên hơn 100.000 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 14.000 tỷ USD). Trung Quốc cũng đã đạt được những thành quả to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước theo mô hình đổi mới sáng tạo cũng như về khoa học và công nghệ, chẳng hạn trong lĩnh vực tàu vũ trụ, chương trình thám hiểm Mặt Trăng, kỹ thuật biển sâu, siêu máy tính và máy tính lượng tử…
Thành quả xóa đói giảm nghèo của Trung Quốc cũng rất ấn tượng khi 55,75 triệu người ở nông thôn đã thoát nghèo và hơn 9,6 triệu người thoát nghèo thông qua chương trình tái định cư. Mức sống của người dân được cải thiện đáng kể, hơn 60 triệu việc làm mới được tạo ra ở các thành phố và thị trấn, xây dựng được hệ thống an sinh xã hội có quy mô lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, khó khăn không phải là nhỏ. Tác động xấu của đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới phần nào ảnh hưởng tới hoạt động ngoại thương của Trung Quốc. Mặc dù nước này là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới đạt tăng trưởng kinh tế 2,3% năm 2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19, song tình trạng tài chính không chắc chắn của các đối tác thương mại hàng đầu là nỗi lo đối với nước xuất khẩu lớn nhất thế giới này.
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn thừa nhận: Tình hình ngoại thương của Trung Quốc năm 2021 vẫn chưa khởi sắc và phức tạp do vẫn tồn tại nhiều bất ổn về nguồn cầu cũng như chuỗi cung ứng và sản xuất công nghiệp do tác động của đại dịch COVID-19.
Căng thẳng thương mại Trung - Mỹ dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump được dự báo sẽ có những cải thiện hơn khi Mỹ kiện toàn chính quyền mới, song những vấn đề trong quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này mang tính "thâm căn cố đế" và khó có thể kỳ vọng vào một sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong thời gian trước mắt.
Mặc dù đã đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nhưng bất bình đẳng thu nhập và chênh lệch phát triển vùng miền, đặc biệt giữa những thành phố phát triển và những vùng nông thôn khó khăn, vẫn tồn tại và cần được tiếp tục giải quyết. Bên cạnh đó là tình trạng già hóa dân số. Theo nghiên cứu của tạp chí y khoa The Lancet, số dân 1,4 tỷ người của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 732 triệu người vào năm 2100. Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc ước tính nước này có 254 triệu người từ 60 tuổi trở lên vào năm 2019, chiếm 18% tổng dân số. Bộ Nội vụ Trung Quốc dự kiến con số đó sẽ tăng lên 300 triệu người vào năm 2025. Dân số già nhanh đồng nghĩa với sự suy giảm lực lượng lao động.
Trong bối cảnh đó, việc Trung Quốc thể hiện quyết tâm đổi mới toàn diện, cùng với các quyết sách hành động cụ thể trong các lĩnh vực như cải thiện tăng trưởng, tăng cường hiệu lực - hiệu quả của cơ chế quản lý nhà nước, đẩy mạnh chống tham nhũng, xóa đói giảm nghèo, y tế công cộng, phòng chống dịch bệnh… là những bước đi cần thiết để thích ứng và ứng phó hiệu quả trước những thách thức hiện nay.
Những quyết sách được thông qua tại kỳ họp quốc hội lần này đã phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng Trung Quốc đang nỗ lực đẩy nhanh cục diện phát triển mới, thúc đẩy phát triển chất lượng cao, tạo bước khởi đầu thuận lợi cho công cuộc xây dựng toàn diện đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại.