Tại ngôi làng nhỏ Gaibao thuộc tỉnh Quý Châu, người dân địa phương đang quay những đoạn video ngắn về vùng quê hoang sơ và bình dị của họ bằng ứng dụng phát video trực tuyến Kwai.
Một đoạn clip cho thấy bốn phụ nữ trẻ đang cười vui vẻ khi họ dùng tay chộp những con cá béo núc từ ruộng lúa. Trong một video khác, họ mặc trang phục truyền thống đi cày ruộng với một con bò. "Các bạn có một trang trại như thế này không?", dòng chú thích của clip viết.
Theo CNN, những đoạn video ngắn đó là một phần nhỏ trong nỗ lực lớn trên toàn quốc nhằm đưa toàn bộ 1,4 tỷ người dân Trung Quốc thoát khỏi đói nghèo vào năm 2020 - một mục tiêu mà Chủ tịch Tập Cận Bình đặt ra trong bài phát biểu hồi năm 2015.
Chính phủ Trung Quốc định nghĩa nghèo đói là kiếm được ít hơn 420 USD (2.800 nhân dân tệ) mỗi năm hoặc khoảng 1,1 USD/ ngày - thấp hơn ngưỡng nghèo khổ của Ngân hàng Thế giới là 1,9 USD/ngày, hoặc dưới 700 USD/ năm.
Bắc Kinh đã huy động khoảng 775.000 cán bộ đảng viên tham gia thúc đẩy chiến dịch chống đói nghèo. Nhiều cán bộ đang đi đến từng nhà để tìm hiểu những gì chính phủ có thể hỗ trợ nhằm giúp người dân thoát nghèo. Theo truyền thông nhà nước, những cán bộ thất bại trong nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo có thể đối mặt việc bị cách chức.
Ý tưởng phát video về hoạt động sản xuất nông nghiệp tại làng Gaibao xuất phát từ gợi ý của cán bộ phụ trách xóa đói giảm nghèo Wu Yusheng, với mục đích giúp ngôi làng bán được các nông sản hữu cơ qua hình thức trực tuyến. Ngoài ra, cư dân còn nhận được quà tặng ảo từ người hâm mộ mà thông qua một ứng dụng họ có thể đổi thành tiền mặt.
Ông Wu Yusheng, người đến làng Gaibao vào năm 2018, cho biết ông đã đạt được mục tiêu của mình, nhưng liệu Chủ tịch Tập Cận Bình có thực hiện được điều tương tự trên toàn Trung Quốc hay không. John Donaldson, một chuyên gia về nghèo đói, là Phó giáo sư tại Đại học Quản trị Singapore cho biết: "Các nhà lãnh đạo địa phương đang thực hiện chiến dịch một cách đầy hoang mang. Một phần vấn đề là họ không biết thực sự phải làm gì, vì vậy họ cố gắng nắm bắt các giải pháp khác nhau".
Chiến dịch chống đói nghèo
Giấc mơ xóa đói giảm nghèo ở Trung Quốc thực ra không bắt đầu từ thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Nó bắt nguồn ngay từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo cách mạng và giành thắng lợi vào năm 1949, lập ra nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. "Lý do cho sự tồn tại của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngay từ đầu là vì sự bất công và nghèo đói với những người nông dân", Phó giáo sư Donaldson nói.
Tuy nhiên, nhiều thử nghiệm kinh tế tại Trung Quốc vào thập niên 50, 60 của thế kỷ trước không mang lại kết quả như mong đợi. "Năm 1949, Thượng Hải vẫn là một thành phố giàu có hơn Hong Kong. Năm 1949, bất kỳ tỉnh ven biển nào cũng giàu có và phát triển hơn Đài Loan. Nhưng năm 1979, Hong Kong và Đài Loan đã vượt lên trước," ông Steve Tsang, Giám đốc Viện Trung Quốc tại Đại học London cho biết.
Cuộc Đại nhảy vọt bắt đầu vào năm 1958 là một nỗ lực nhằm biến đổi một xã hội chủ yếu là nông nghiệp thông qua công nghiệp hóa và tập thể hóa. Nhưng thay vào đó, công cuộc này đã dẫn đến một nạn đói ghê gớm và khiến cho tình trạng nghèo khổ trầm trọng hơn trên cả nước.
Mọi thứ chỉ bắt đầu thay đổi kể từ năm 1978, khi Trung Quốc, dưới thời ông Đặng Tiểu Bình, thực hiện chính sách tự do hóa nền kinh tế và một trong những cải cách đầu tiên là cho phép nông dân bán sản phẩm dư thừa để kiếm lợi nhuận.
Những nỗ lực của Trung Quốc để chống lại nghèo đói kể từ đó thực sự đáng kinh ngạc. Theo Ngân hàng Thế giới, năm 1990, có hơn 750 triệu người Trung Quốc sống trong nghèo đói trên toàn quốc – chiếm hơn 60% dân số. Nhưng gần 30 năm sau, vào năm 2019, Bắc Kinh cho biết con số đó đã giảm xuống chỉ còn 16,6 triệu người.
Hàng trăm triệu người đã thoát khỏi đói nghèo, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn quyết tâm làm được hơn thế.
Ngày nay bất chấp sự giàu có ngày càng tăng của các thành phố lớn như Thượng Hải hay Bắc Kinh, một phần của nông thôn Trung Quốc vẫn không có đầy đủ điện, nước ngọt hay thực phẩm, quần áo.
Trong bài phát biểu năm 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng ông được truyền cảm hứng để ưu tiên hành động xoá nghèo đói bởi chính ông đã từng làm việc ở nông thôn vào những năm 1960 thời Cách mạng Văn hóa. "Tôi đã làm việc với dân làng vào thời điểm đó, với mục đích làm cho cuộc sống tốt hơn, nhưng khó hơn là lên trời", nhà lãnh đạo Trung Quốc nhớ lại.
Đường xá, Internet và việc làm
Kế hoạch xoá nghèo của chính phủ được chia thành hai chiến lược - chính sách lớn tầm quốc gia và can thiệp nhỏ ở địa phương.
Ở cấp quốc gia, các chính sách xoay quanh chi tiêu cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Chính quyền Trung Quốc đang rót hàng tỷ USD vào chương trình này, trong đó chỉ riêng năm 2019 đã dự chi 19 tỷ USD cho một loạt dự án và sáng kiến trên cả nước.
Theo số liệu của chính phủ, hơn 200.000 km đường giao thông được xây dựng hoặc cải tạo vào năm 2018 và 94% số thôn nghèo đã được kết nối Internet.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho hay hàng chục doanh nghiệp nhà nước đã tham gia chiến dịch và rót hơn 4 tỷ USD (30 tỷ nhân dân tệ) vào các chương trình xóa đói giảm nghèo ngay đầu năm 2019.
Tuy nhiên, có những dự án lớn đã gây ra tranh cãi. Một số chính quyền tỉnh bị cáo buộc dùng “mẹo” di chuyển hàng triệu người nghèo đến ở tại những đô thị mới được xây dựng để giúp họ thoát nghèo. Nhiều nông dân cao tuổi đã từ chối đi, trong khi những người khác thì chấp nhận chuyển di nhưng sau đó lại trở về nhà cũ. Maggie Lau, giáo sư tại Đại học Lĩnh Nam của Hong Kong, cho biết những kế hoạch xoá nghèo như vậy không phải lúc nào cũng thực tế. "Nếu nông dân chuyển đến một khu vực có chi phí cao hơn, làm thế nào họ có thể chi trả những chi phí sinh hoạt mới đó?", bà Lau đặt câu hỏi.
Trong khi đó ở quy mô địa phương, chiến dịch chống đói nghèo được giao trách nhiệm cho các cán bộ địa phương. "Mỗi quan chức địa phương ở cấp thị trấn phải đi tới từng hộ nghèo và cố gắng tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra, tại sao người dân lại nghèo và làm thế nào để đưa các nguồn lực tới hỗ trợ", Phó giáo sư Donaldson kể lại những quan sát của ông ở các làng mạc Trung Quốc.
Các giải pháp được đề xuất rất khác nhau nhưng thường tập trung vào việc khuyến khích dân làng thoát nghèo bằng cách phát triển các ngành công nghiệp địa phương, tham gia vào thương mại điện tử và thúc đẩy du lịch nông thôn.
Nhưng cũng đã có sự thiếu kiên nhẫn với những người dân nghèo không tham gia chương trình. Trong một báo cáo vào tháng 2, Phó chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Vũ Duy Hoa từng phàn nàn rằng một số người không muốn "làm giàu". "Một số người nghèo thậm chí có suy nghĩ: Các anh không giúp đỡ, tôi cũng chẳng nhúc nhích", báo cáo viết.
Tham nhũng và ô nhiễm môi trường
Vào tháng 3/2018, một chủ tịch tỉnh đã bị khai trừ khỏi Đảng, một phần do không giải quyết được vấn đề nghèo đói trong khu vực thẩm quyền của mình. Tháng 10 cùng năm, các cuộc kiểm tra đã được tiến hành tại các tỉnh trên khắp miền Trung và miền Tây Trung Quốc để làm rõ việc quan chức có tuân theo chỉ thị về xoá đói giảm nghèo hay không.
Nguồn ngân sách dồi dào từ chính phủ và giới doanh nghiệp dành cho chương trình xoá nghèo cũng trở thành mảnh đất màu mỡ của mối đe dọa tham nhũng. Theo Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương Trung Quốc, hơn 170.000 cá nhân đã bị kỷ luật chỉ trong năm 2018 vì đã chiếm dụng các quỹ xóa đói giảm nghèo.
Cũng có những dấu hiệu cho thấy sự tập trung lớn của chính phủ vào giảm nghèo đói đang cản trở một mục tiêu quan trọng khác là bảo vệ môi trường. Một nghiên cứu năm 2015 đã cho thấy hoạt động xóa đói giảm nghèo bằng cách thúc đẩy nền kinh tế lại đang làm giảm chất lượng không khí và nước ở các khu vực liên quan.
Các ngành công nghiệp vốn gây ô nhiễm được khuyến khích nhằm mang lại công ăn việc làm và thu nhập cho người nghèo, nhưng đổi lại là chi phí về môi trường sống hoặc các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Một số nhà phê bình cũng lưu ý rằng chính phủ đã tập trung chủ yếu vào xoá nghèo đói ở nông thôn hơn là ở các thành phố, bỏ qua những khó khăn đô thị ít nghiêm trọng hơn nhưng vẫn cấp bách.
Tự tin với mục tiêu 2020
Wu Yusheng, cán bộ phụ trách xóa đói giảm nghèo ở làng Gaibao, Quý Châu, cho biết ông "hoàn toàn tự tin" mục tiêu năm 2020 có thể đạt được. "Chính phủ đang làm mọi thứ để đạt được điều đó. Và ở cấp độ địa phương, việc hướng đến người nghèo là thực sự chính xác. Mục tiêu đó sẽ không thành vấn đề khi cả xã hội đang nỗ lực", ông nói.
Nhưng các chuyên gia và các nhà quan sát quốc tế cho rằng các mục tiêu xoá hết nghèo đói của Trung Quốc sẽ chỉ đạt được ở mức tối thiểu. Trung Quốc sẽ cần nhiều công việc hơn ở các thành phố và nông thôn để đảm bảo mọi người đều nâng cao được chất lượng cuộc sống.
Qin Gao, Giám đốc Trung tâm Chính sách xã hội Trung Quốc của Đại học Columbia (Mỹ), cho biết trong một báo cáo năm 2018 rằng sự hỗ trợ rộng rãi của chính phủ cho chăm sóc sức khỏe và việc làm sẽ hữu ích hơn các sáng kiến trên cơ sở cá nhân hoặc các biện pháp thương mại điện tử.
"Chỉ có sự kết hợp giữa các biện pháp phát triển hiệu quả với các chính sách và dịch vụ xã hội mới có thể giúp Trung Quốc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn về lâu dài", bà Qin Gao nói.
Trong khi đó, Phó giáo Donaldson cho rằng "bất kỳ chính phủ có trách nhiệm nào cũng sẽ tập trung vào các giải pháp giúp cải thiện mức sống của những người có thể không nghèo nhưng vẫn đang gặp khó khăn. Tôi hy vọng điều đó sẽ mãi mãi nằm trong chương trình nghị sự của đảng", ông Donaldson bày tỏ.