Trung Quốc tự tin ‘Zero-Covid’ đủ sức chống lại siêu biến thể Omicron

Bắc Kinh xem siêu biến thể Omicron là minh chứng cho thấy tính đúng đắn của chiến lược “Zero-Covid” (không COVID) mà nước này theo đuổi.

Chú thích ảnh
Là nước đạt tỉ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cao, nhưng Trung Quốc không theo đuổi miễn dịch cộng đồng như nhiều nước phương Tây. Ảnh: Getty Images

Cố vấn y tế hàng đầu của chính phủ Trung Quốc về đại dịch COVID-19 nói rằng chính sách “không Covid” sẽ ngăn chặn Omicron, không để biến thể mới gây ra đe dọa nghiêm trọng với nước này, qua đó khẳng định tính hiệu quả của biện pháp chống dịch hà khắc mà Bắc Kinh theo đuổi kể từ khi dịch bùng phát đến nay.

Bình luận này, vốn được phổ biến rộng rãi trên truyền thông Trung Quốc cuối tuần qua, xuất hiện tại thời điểm các nhà khoa học Trung Quốc cho công bố một công trình nghiên cứu mới, cảnh báo bất kỳ dịch chuyển chính sách nào khỏi “Không Covid” theo mô hình miễn dịch cộng đồng kiểu phương Tây đều sẽ dẫn đến thảm họa.

“Chiến lược phản ứng nhanh chóng hiện tại của Trung Quốc đủ sức chống lại nhiều loại biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2. Tôi không nghĩ là nó [biến thể Omicron] sẽ có tác động lớn đối với Trung Quốc ở thời điểm hiện tại”, ông Zhang Wenhong, chuyên gia dịch tễ hàng đầu và là Giám đốc khoa truyền nhiễm tại Bệnh viện Hoa Sơn (Huashan), Thượng Hải, chia sẻ quan điểm trên mạng weibo.

Ngay từ khi dịch bùng phát, Trung Quốc đã áp dụng chiến lược “Zero-Covid”, với điểm nhấn là cách ly bắt buộc diện rộng, nhanh chóng truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với ca mắc bệnh và siết chặt quản lý biên giới. Biện pháp này giúp giảm số ca tử vong, nhưng cũng khiến Trung Quốc bị cô lập với phần còn lại của thế giới.

Đa phần các nước trong khu vực đã từ bỏ chiến lược “không Covid” để chuyển sang thích ứng với COVID-19, coi đây là dạng bệnh đặc hữu cần phải sống chung. Nhưng ông Zhang nhìn nhận chính cách tiếp cận này đã giúp Trung Quốc đạt được “cơ hội chiến lược”, khi biến thể mới xuất hiện đã buộc các nước phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế để ngăn chặn dịch lây lan.

Ông Zhong Nanshan, một chuyên gia dịch tễ hàng đầu khác tại đại lục, cho rằng các cấp chính quyền cần chú tâm giám sát du khách nhập cảnh từ châu Phi, nhưng ông không đề cập đến giải pháp cụ thể nào để sẵn sàng ứng phó với siêu biến thể Omicron. “Hiện còn quá sớm để đưa ra kết luận về mức độ nghiêm trọng, khả năng lây lan cũng như gây ra diễn tiến bệnh nặng từ biến thể này”, ông Zhong nói.

Những đánh giá trên đây được đưa ra tại thời điểm cơ quan chức năng Trung Quốc cho công bố kết quả nghiên cứu về tương quan cách thức chống dịch. Trong báo cáo thường kỳ với tiêu đề “Sống chung với COVID-19: Các ước tính và viễn cảnh” đăng ngày 24/11, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc cảnh báo nếu áp dụng biện pháp chống dịch COVID-19 theo cách của Mỹ, Trung Quốc sẽ có tới 637.155 ca mắc mới mỗi ngày, với  hơn 10.000 ca bệnh nặng, làm quá tải hệ thống chăm sóc y tế, gây ra một thảm họa lớn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. 

“Kết quả nghiên cứu đã đưa ra lời cảnh báo rõ ràng. Đó là ở thời điểm hiện tại Trung Quốc không sẵn sàng theo đuổi các chiến lược ‘mở cửa’ vốn chỉ dựa trên giả thuyết về miễn dịch cộng đồng mà nhiều nước phương Tây cổ vũ thông qua chương trình tiêm chủng”, nhóm tác giả thực hiện công trình này cho biết. Hiện Trung Quốc đạt tỉ lệ tiêm chủng mũi hai là 76,8% dân số và hướng đến ngưỡng che phủ vaccine 80% vào cuối năm nay.

Chú thích ảnh
Israel là nước đầu tiên trên thế giới đóng cửa biên giới do lo ngại khả năng lây lan của siêu biến thể Omicron. Ảnh: Shutterstock

Việc Trung Quốc bảo lưu quan điểm tuân thủ “Zero-Covid” diễn ra trong bối cảnh các nước trên thế giới chạy đua với thời gian để kiềm chế siêu biến thể Omicron, thông qua các biện pháp như hạn chế di chuyển hàng không, áp đặt quy định dãn cách mới khi số ca nhiễm mới Omicron được xác định tăng.

Vương quốc Anh đã xác định được ca nhiễm thứ ba do biến thể Omicron, cùng với đó là hàng chục trường hợp khác hiện thuộc diện nghi ngờ. Chính quyền đã cho áp dụng quy định về đeo khẩu trang bắt buộc tại các địa điểm như cửa hàng, phương tiện giao thông công cộng ở vùng England. Người nhập cảnh vào Anh sẽ phải trình giấy xét nghiệm PCR âm tính có giá trị trong vòng 48 giờ và phải tự cách ly.

Mỹ, Anh, Australia, Canada, Saudi Arabia, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU) đều hạn chế các chuyến bay đến và đi từ khu vực Nam Phi, hoặc yêu cầu cách ly với du khách thuộc diện này. Cùng lúc, Singapore và Ấn Độ xem xét ban hành lệnh cấm tương tự.

Israel trở thành nước đầu tiên trên thế giới đóng cửa biên giới với du khách nước ngoài sau khi phát hiện một ca dương tính với Omicron. “Ai cũng mệt mỏi vì bóng đen của SARS-CoV-2. Tôi nghe mọi người than vãn: Chúng ta vừa mới thoát khỏi sức ép từ biến thể Delta, giờ lại phải đối mặt với một biến thể mới. Thật không dễ dàng, nhưng đó là thực tế”, Thủ tướng Israel Naftali Bennett nêu quan điểm khi đề cập đến lệnh cấm có hiệu lực trong 14 ngày, bắt đầu từ ngày 28/12.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo FT)
Nhật Bản nâng cảnh báo về biến thể Omicron lên mức cao nhất 
Nhật Bản nâng cảnh báo về biến thể Omicron lên mức cao nhất 

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 28/11, Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản (NIID) đã nâng mức độ cảnh báo đối với Omicron – biến thể mới của virus SARS-CoV-2 – lên mức cao nhất. NIID đã xếp Omicron vào danh sách các “biến thể gây quan ngại” cùng với biến thể Delta. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN