Một nguồn thạo tin giấu tên cho biết, giới chức Bắc Kinh đã yêu cầu lãnh đạo điều hành các tập đoàn, công ty chuyên về khai thác đất hiếm ở đại lục đánh giá về mức độ tổn thương đối với Mỹ và châu Âu nếu Trung Quốc áp đặt hạn chế xuất khẩu đất hiếm trong một cuộc đối đầu song phương.
Thông tin này một lần nữa lại khiến dự luận quan tâm đến một nhóm các nhân tố đất hiếm, được dùng phổ biến trong nhiều sản phẩm công nghệ cao, từ điện thoại thông minh cho tới máy bay chiến đấu và là một điểm trung tâm trong quan hệ thương mại ngày một xấu đi giữa Mỹ với Trung Quốc. Trung Quốc hiện là nước kiểm soát phần lớn sản lượng đất hiếm của toàn thế giới, đẩy nhiều ngành công nghiệp của Mỹ đứng trước nguy cơ dễ bị tổn thương về nguồn cung trong ngắn hạn.
Bộ Ngoại giao và Bộ Công nghiệp-Công nghệ thông tin Trung Quốc chưa đưa ra bình luận về thông tin nêu trên. Chính quyền Bắc Kinh trong tháng trước đã cho công bố dự thảo đối với ngành khai thác, chế biến và xuất khẩu đất hiếm, trong đó có những đề xuất yêu cầu các công ty tuân thủ quy định về xuất khẩu, cùng với đó là khả năng nhà nước sẽ hạn chế hoặc thậm chí ngừng khai thác, chế biến đất hiếm để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, gìn giữ môi trường.
Lo ngại ảnh hưởng của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm, Tổng thống Donald Trump hồi tháng 9/2020 đã ký ban hành một sắc lệnh nhằm mở rộng việc khai thác, nâng cao sản lượng đất hiếm trong nội địa Mỹ. Washington cũng đã trao cho công ty Lynas Rare Earths - nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất ngoài Trung Quốc, một hợp đồng nhằm gia tăng khả năng tinh chế đất hiếm.