Xe quân sự mang Cánh Loong, một chiếc máy bay không người lái có độ bền cao trung bình được Trung Quốc chế tạo, tham gia vào một cuộc diễu hành tại Bắc Kinh ngày 3/9/2015. Ảnh: Reuters |
Theo CETC, 119 chiếc UAV cánh cố định, vượt xa kỷ lục trước đây là 67 chiếc, đã được đồng loạt phóng lên không trung từ thiết bị chuyên dụng tương tự thiết bị phóng máy bay trên các hàng không mẫu hạm, hình thành nên đội hình bay trên bầu trời, và sau đó tách ra để bám theo các mục tiêu khác nhau. Sự đột phá về công nghệ trên đã đưa Trung Quốc vào vị trí số một trong lĩnh vực triển khai UAV trên quy mô lớn.
CETC khẳng định “trí tuệ bầy đàn” được đánh giá là yếu tố cốt lõi trong trí thông minh nhân tạo của các hệ thống không người lái, và là tương lai của các hệ thống không người lái thông minh . Quá trình hoạt động của những chiếc UAV do CETC chế tạo cần rất ít sự can thiệp của con người nhờ vào việc sử dụng công nghệ máy tính và trí thông minh nhân tạo.
Hệ thống của CETC cho phép các thiết bị UAV tự điều phối đường bay để tránh va chạm và phân công công việc để hoàn thành những mục tiêu được đặt ra từ trước, chẳng hạn như tìm kiếm xe chở nghi phạm trong một khu vực rộng nhất có thể trong một khoảng thời gian ngắn nhất.
Chuyên gia về UAV của CETC Triệu Diễm Kiệt (Zhao Yanjie) cho biết từ khi thiết bị không người lái được phát minh vào năm 1917, các “bầy đàn thông minh” đã trở thành một lực lượng tấn công có thể “thay đổi luật chơi”. Bên cạnh lĩnh vực quân sự, công nghệ “bầy đàn UAV” còn có thể được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như giám sát trên không và hỗ trợ thiết lập mạng lưới thông tin khẩn cấp khi xảy ra thảm hoạ tự nhiên.
Trước khi CETC thiết lập kỷ lục nói trên, một doanh nghiệp chuyên chế tạo UAV khác của Trung Quốc là Công ty Công nghệ Thông minh Ức Hàng (Ehang), Quảng Châu cũng đã phóng một đội hình gồm 1.000 chiếc UAV lên bầu trời song đây là những thiết bị bay cánh quạt.