Trung Quốc tặng Zimbabwe tòa nhà quốc hội mới trị giá 400 triệu USD

Trung Quốc đang chuẩn bị bàn giao tòa nhà quốc hội mới trị giá 140 triệu USD cho Zimbabwe.

Chú thích ảnh
Tòa nhà quốc hội ở Zimbabwe đã hoàn hiện. Ảnh: Xinhua

Theo SCMP, địa điểm tòa nhà ở núi Hampden, cách thủ đô Harare khoảng 18 km về phía tây bắc.

Tòa nhà 650 chỗ ngồi sẽ thay thế tòa nhà 100 chỗ ngồi hiện tại có từ thời thuộc địa mà các quan chức Zimbabwe cho là quá nhỏ đối với 350 nhà lập pháp.

Nằm trên đỉnh đồi, khu phức hợp hình tròn ấn tượng này do Tập đoàn Xây dựng Thượng Hải của Trung Quốc xây và được Trung Quốc chi trả toàn bộ chi phí.

Các nhà thầu cho biết đã sẵn sàng bàn giao cơ sở này sau 3 năm rưỡi bắt đầu xây dựng. Dự án này sử dụng trên 500 kỹ thuật viên Trung Quốc và 1.200 công nhân địa phương.

Giám đốc Tập đoàn Xây dựng Thượng Hải Libo Cai cho biết ngày 4/7: “Chắc chắn tòa nhà quốc hội mới sẽ trở thành một tòa nhà biểu tượng ở Zimbabwe và thậm chí ở toàn bộ khu vực Nam Phi. Đây sẽ là một cột mốc quan trọng nữa cho tình hữu nghị Trung Quốc-Zimbabwe, vốn ngày càng bền chặt hơn năm này qua năm khác”.

Tòa nhà có tổng diện tích 33.000 mét vuông và có hai tòa nhà chính là tòa nhà văn phòng sáu tầng và tòa nhà quốc hội bốn tầng. 

Để giảm bớt tắc nghẽn ở thủ đô đông đúc, Zimbabwe có kế hoạch di dời các cơ quan tư pháp, hành pháp và một số đơn vị hành chính đến địa điểm này. Nơi họp và các dinh thự chính thức cho Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện cũng sẽ được xây dựng ở đó.

Thành phố mới sau này sẽ trở thành nơi có trụ sở của Ngân hàng dự trữ Zimbabwe, các khu ngoại ô cao cấp, khách sạn và trung tâm mua sắm.

Chú thích ảnh
Bên trong tòa nhà quốc hội mới ở Zimbabwe. Ảnh: Xinhua

Đại sứ quán Trung Quốc tại Zimbabwe cho biết trong một dòng tweet rằng nhờ sự chăm chỉ của các kỹ thuật viên Trung Quốc và Zimbabwe, ​​sẽ có thêm nhiều dự án lớn hơn ở khu vực Núi Hampden và sẽ thúc đẩy sự phát triển của một thành phố vệ tinh mới.

Đây là dự án mới nhất trong một loạt các dự án tương tự do Trung Quốc tài trợ trên khắp lục địa. Tại châu Phi, Trung Quốc đã chi tiền xây dựng các cung điện, sân vận động thể thao và trung tâm hội nghị thuộc khuôn khổ chiến lược ngoại giao kéo dài hàng thập kỷ.

Khi Trung Quốc lần đầu tiên bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao với châu Phi từ những năm 1950 đến 1970, họ đã hỗ trợ tài chính, cho vay không lãi suất và cử các đội y tế tới đây.

Các dự án gần đây khác còn có Trung tâm Hội nghị Quốc tế Kenneth Kaunda, mà Nhóm Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật Quốc tế Giang Tô Trung Quốc đã bàn giao cho chính quyền Zambia vào cuối tháng 5.

Trung tâm này dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh sắp tới của Liên minh châu Phi (AU) và được Tổng thống Zambia Hakainde Hichilema mô tả là biểu tượng của tình hữu nghị bền vững giữa Zambia và Trung Quốc.

Tại Ethiopia, công việc xây dựng trụ sở Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi trị giá 80 triệu USD cũng sắp hoàn thành. Nước này cũng là nơi có tòa trụ sở Liên minh châu Phi cực kỳ hiện đại trị giá 200 triệu USD ở Addis Ababa, do Trung Quốc tài trợ và xây dựng để làm quà cho người dân châu Phi.

Nghiên cứu của ông Paul Nantulya tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược châu Phi thuộc Đại học Quốc phòng Washington đã tính toán rằng Trung Quốc đã xây dựng hoặc cải tạo 186 tòa nhà chính phủ ở ít nhất 40 quốc gia châu Phi từ năm 2000 đến năm 2018.

Ông David Shinn, giáo sư tại Khoa Quan hệ Quốc tế Elliott của Đại học George Washington và là cựu đại sứ Mỹ tại Ethiopia, cho biết ngoại giao xây dựng từ lâu đã là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Ông cho biết hầu hết các dự án xây dựng dùng nguồn tiền từ các khoản vay nhưng những dự án khác là quà tặng. Ngoài tòa quốc hội Zimbabwe mới và trụ sở AU, Trung Quốc còn xây tặng tòa nhà Bộ Ngoại giao Kenya và Dinh tổng thống Burundi.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Thách thức đối với giấc mơ xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc của châu Phi
Thách thức đối với giấc mơ xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc của châu Phi

Tiêu chuẩn khắt khe của Trung Quốc cùng sự chần chừ trong thực hiện các thỏa thuận thương mại đã làm suy yếu kế hoạch thúc đẩy nhập khẩu hàng hóa từ châu Phi của Bắc Kinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN