Trung Quốc phản ứng về gói viện trợ mới của Mỹ cho Ukraine và Đài Loan

Trung Quốc cho rằng viện trợ của Mỹ cho Đài Loan “sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng”, đồng thời phản đối "tiêu chuẩn kép" của Mỹ.

Chú thích ảnh
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân. Ảnh: THX

Theo Đài phát thanh Quốc tế Đức Deutsche Welle, Trung Quốc ngày 24/4 đã chỉ trích luật viện trợ quân sự nước ngoài mới của Mỹ, trong đó có khoản viện trợ dành cho Đài Loan (Trung Quốc), nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của hòn đảo này.

Thượng viện Mỹ đã thông qua dưu luật viện trợ quân sự trị giá 8 tỷ USD (7,48 tỷ euro) cho Đài Loan vào cuối ngày 23/4, như một phần của đạo luật lớn hơn bao gồm hỗ trợ mới cho Israel và Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó vào 24/4 đã ký ban hành thành luật.

Phản ứng về vấn đề trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) nói: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng việc Mỹ và Đài Loan tăng cường quan hệ quân sự sẽ không mang lại an ninh cho Đài Loan”, đồng thời cho biết sự hỗ trợ đó "sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng và nguy cơ xung đột ở Eo biển Đài Loan".

Trong khi đó, người phát ngôn Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc, Zhu Fenglian, cho biết khoản viện trợ này vi phạm các cam kết của Mỹ với Trung Quốc và “gửi tín hiệu sai lệch tới thé lực muốn Đài Loan độc lập”.

Khoản viện trợ mới của Mỹ cho Đài Loan được đưa ra Quốc hội Mỹ khi Ngoại trưởng nước này, ông Antony Blinken chuẩn bị có chuyến thăm Trung Quốc ba ngày, bắt đầu vào hôm 24/4.

Ông Blinken dự kiến ​​sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị vào ngày 26/4, với vấn đề Đài Loan nằm hàng đầu trong chương trình nghị sự. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng có thể gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người trước đó đã cho rằng việc Trung Quốc thống nhất với Đài Loan là “không thể tránh khỏi”.

Cùng ngày, tờ Hoàn cầu Thời báo đưa tin, Trung Quốc phản đối mạnh mẽ những động thái "đạo đức giả" của Mỹ trong cuộc khủng hoảng Ukraine thông qua ban hành các dự luật viện trợ khổng lồ cho Ukraine đồng thời đưa ra những cáo buộc "vô căn cứ" đối với hoạt động thương mại bình thường giữa Trung Quốc và Nga. Đây cũng sẽ là một trong những vấn đề chính được thảo luận trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Trung Quốc. 

Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller gần đây cho biết, ông Blinken dự kiến ​​sẽ “bày tỏ lo ngại của Mỹ về việc Trung Quốc đang giúp Nga xây dựng cơ sở công nghiệp quốc phòng để duy trì cuộc chiến ở Ukraine”.

"Một mặt, Mỹ ban hành các dự luật viện trợ khổng lồ cho Ukraine, mặt khác đưa ra những cáo buộc vô căn cứ đối với các tương tác kinh tế và thương mại bình thường giữa Trung Quốc và Nga, là cực kỳ đạo đức giả và vô trách nhiệm. Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này", ông Uông Văn Bân nói. 

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, về vấn đề Ukraine, Bắc Kinh luôn "duy trì lập trường khách quan và công bằng, tích cực ủng hộ hòa bình và thúc đẩy giải pháp chính trị". Ông Uông Văn Bân lưu ý, Trung Quốc luôn kiểm soát việc xuất khẩu các mặt hàng có công dụng kép theo luật pháp và quy định. 

Người phát ngôn trên nhấn mạnh, Trung Quốc không phải là "tác giả hay một bên trong cuộc khủng hoảng Ukraine, không đổ thêm dầu vào lửa, không lợi dụng tình hình để trục lợi và không chấp nhận việc đổ lỗi". 

Ông Uông Văn Bân cho rằng Trung Quốc có quyền tham gia vào các tương tác kinh tế và thương mại bình thường với tất cả các nước trên thế giới, bao gồm cả Nga, trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi, một quyền không nên bị can thiệp hoặc làm suy yếu. 

Theo người phát ngôn trên, lựa chọn đúng đắn duy nhất cho cuộc xung đột Nga - Ukraine là tính đến những mối quan ngại an ninh hợp lý của tất cả các bên và thiết lập một khuôn khổ an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững thông qua đối thoại và đàm phán. 

Tờ Wall Street Journal đưa tin hôm 23/4 rằng Mỹ đang soạn thảo các biện pháp trừng phạt đe dọa cắt một số ngân hàng Trung Quốc hoặc khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, điều mà một số quan chức Mỹ cho rằng sẽ giúp ngăn chặn sự hỗ trợ thương mại của Trung Quốc đối với hoạt động sản xuất quân sự của Nga. 

“Chúng tôi phản đối mạnh mẽ hành vi đạo đức giả của Mỹ, nước tự thổi bùng ngọn lửa nhưng lại đổ lỗi cho Trung Quốc. Quyền của Trung Quốc tham gia vào các tương tác kinh tế và thương mại bình thường với tất cả các nước, bao gồm cả Nga, không được vi phạm. Chúng tôi kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo dw.com/globaltimes.cn)
Nga bán khí đốt giá rẻ cho Trung Quốc
Nga bán khí đốt giá rẻ cho Trung Quốc

Bloomberg dẫn một dự báo vĩ mô do Bộ Phát triển Kinh tế Nga soạn thảo cho thấy giá khí đốt nước này bán cho Trung Quốc sẽ thấp hơn 28% so với giá bán cho người tiêu dùng châu Âu, ít nhất cho đến năm 2027.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN