Trung Quốc nổi lên khi có tổng cộng 24 cụm trong danh sách 100 cụm hàng đầu do Tổ chức Sáng chế thế giới (WIPO) công bố. Con số này đã giúp Trung Quốc dẫn trước Mỹ - nước chỉ có 21 cụm trong danh sách này.
Danh sách xếp hạng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới dựa trên số lượng nhà nghiên cứu, bài báo được công bố và bằng sáng chế được nộp.
WIPO, một cơ quan của Liên hợp quốc, đã công bố chỉ số dựa trên số lượng nhà phát minh và nhà nghiên cứu trong các cụm, cũng như số lượng bài báo được xuất bản và bằng sáng chế được nộp.
Cụm Tokyo-Yokohama và Thâm Quyến-Hong Kong-Quảng Châu vẫn giữ được thứ hạng thứ nhất và thứ hai so với năm ngoái.
Năm nay, cụm Seoul đã tăng một bậc lên vị trí thứ ba, vượt qua cụm Bắc Kinh, trong khi cụm Tô Châu-Thượng Hải vươn lên vị trí thứ năm, đổi chỗ cho cụm San Jose-San Francisco ở California.
WIPO cho biết Tô Châu-Thượng Hải đã đạt thành tích tốt hơn chủ yếu là nhờ tăng số lượng đơn đăng ký sáng chế tại Hiệp định Hợp tác đăng ký sáng chế (PCT). Hiệp định này đã bảo vệ sáng chế ở hơn 150 quốc gia.
Theo Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước, cụm Thâm Quyến-Hong Kong-Quảng Châu chiếm 8,2% số đơn đăng ký PCT toàn cầu và 1,9% số ấn phẩm báo khoa học vào năm ngoái. Cụm Bắc Kinh giữ vị trí dẫn đầu toàn cầu về xuất bản bài báo khoa học với tỷ lệ 3,7%.
Trong khi đó, cụm Tokyo-Yokohama chiếm gần 11% số đơn đăng ký PCT và 1,6% số ấn phẩm báo khoa học.
Ông Daren Tang, Tổng giám đốc WIPO, cho biết các cụm khoa học công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định thành tích về đổi mới của các nền kinh tế.
Năm nay, Trung Quốc có mức tăng sản lượng khoa học-công nghệ lớn nhất với mức tăng trung bình là 12,1%. Các cụm Hợp Phì và Thanh Đảo có mức tăng trưởng toàn cầu nhanh nhất lần lượt là 21,6% và 19,4%.
Các nền kinh tế có thu nhập trung bình khác như Ấn Độ cũng có mức tăng trưởng mạnh, trong khi gần 40% nền kinh tế có thu nhập cao chứng kiến sản lượng giảm.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không nằm trong top 10 về hàm lượng khoa học công nghệ. Hầu hết các cụm hàng đầu theo thước đo này đều nằm ở châu Âu và Mỹ.
Theo thước đo này, cụm Dajeon của Hàn Quốc có thứ hạng cao nhất châu Á ở vị trí thứ sáu, trong khi cụm Bắc Kinh của Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 14. Cụm Cambridge của Vương quốc Anh chiếm vị trí đầu tiên.
Vào ngày 27/9 tới đây, WIPO sẽ công bố chỉ số đổi mới toàn cầu đầy đủ, có tính đến tất cả các chỉ số của tổ chức này. Năm ngoái, WIPO cho biết Trung Quốc gần lọt vào top 10 khi đạt vị trí thứ 11. Trong đó Thụy Sĩ, Mỹ và Anh chiếm ba vị trí dẫn đầu.