Phát biểu trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Đức Andreas Michaelis tại Berlin, Đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề Á - Âu Li Hui khẳng định lập trường của Bắc Kinh về vấn đề Ukraine vẫn không thay đổi và tập trung vào việc thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình và giải pháp chính trị cho cuộc xung đột.
Nhắc lại những lời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Li Hui nói rằng "không có thuốc chữa bách bệnh để giải quyết cuộc khủng hoảng" và tất cả các bên cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc nối lại các cuộc đàm phán hòa bình thông qua việc tích lũy sự tin tưởng lẫn nhau.
"Trung Quốc ủng hộ việc các nước châu Âu bắt xem xét từ nguyên nhân gốc rễ dẫn đến cuộc khủng hoảng và tìm giải pháp cho tất cả các vấn đề liên quan, đồng thời nỗ lực vì sự ổn định lâu dài của lục địa châu Âu", ông Li Hui nhấn mạnh và cho biết thêm rằng Bắc Kinh sẵn sàng duy trì liên lạc chặt chẽ với Đức về vấn đề này.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phía Đức đánh giá cao những nỗ lực tích cực của Trung Quốc nhằm giảm leo thang cuộc khủng hoảng Ukraine và nhấn mạnh rằng việc Berlin và Bắc Kinh tăng cường đối thoại về một số vấn đề quốc tế và khu vực lớn là "hữu ích và cần thiết", bao gồm cả tình hình ở Ukraine.
Cuộc gặp giữa ông Li Hui và Ngoại trưởng Michalis diễn ra trong bối cảnh Đại diện đặc biệt của Trung Quốc đang có chuyến công du châu Âu nhằm thúc đẩy một giải pháp chính trị cho Ukraine trong khuôn khổ lộ trình 12 điểm mà Trung Quốc đề xuất để có thể đạt được một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột.
Đặc phái viên Li Hui trước đó đã có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan và các quan chức Bộ Ngoại giao Pháp. Ông dự kiến sẽ kết thúc chuyến công du con thoi kéo dài 1 tuần tại Moskva.
Các nỗ lực hòa bình của Trung Quốc đã được Nga và một số quốc gia khác hoan nghênh, trong đó Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng nhiều điểm trong kế hoạch của Bắc Kinh "phù hợp" với lập trường của Moskva. Tuy nhiên, hầu hết các cường quốc phương Tây đã bác bỏ lộ trình của Trung Quốc, nói rằng họ thiếu "uy tín" trong bối cảnh Bắc Kinh từ chối tham gia chiến dịch trừng phạt chống Nga của phương Tây.