Cứ mỗi khi mùa đông đến là Trung Quốc gần như lại phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng năng lượng với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Điều này được lý giải như là hậu quả tất yếu khi nhu cầu rộng khắp toàn quốc gia tăng ở thời điểm mà giao thông vận tải bị chậm trễ bởi tuyết và mưa bão. Cùng với đó là tình trạng các nguồn năng lượng tập trung chỉ ở một số tỉnh miền bắc Trung Quốc, đồng thời việc nguồn cung năng lượng mang tính độc quyền của nước này vẫn "cố chấp" không chuyển hướng mạnh mẽ khỏi việc phụ thuộc vào than.
Năm nay, vấn đề đó đang đến sớm hơn thường lệ mà cụ thể là từ nam đến bắc Trung Quốc đang thiếu dầu diesel trong khi giá than tăng mạnh từ bắc đến nam. Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và Cải cách nhà nước, Trương Bình, mới đây đã phải thừa nhận rằng Trung Quốc có thể không đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 3% trong năm nay mà một phần là vì giá nhiên liệu cùng các nông sản đang sốt chóng mặt. Quan chức này nhận xét: "Mọi chuyện đang tồi tệ hơn những gì chúng tôi dự kiến".
Trung Quốc luôn rơi vào tình trạng khủng hoảng năng lượng mỗi khi mùa đông đến. Ảnh: Internet |
Cùng lúc, điều trớ trêu là bất chấp nhiều tỷ nhân dân tệ (NDT) đã được đầu tư vào phát triển những dạng năng lượng thay thế, ít ô nhiễm hơn, các nhà cung cấp năng lượng mới này vẫn chưa kết nối được với nền kinh tế vốn phụ thuộc từ lâu vào than.
Hàn Tiêu Bình, phụ trách hãng nghiên cứu độc lập về năng lượng China5e.com nhận xét: "Dầu diesel và than dường như như là hai chuyện riêng rẽ. Nhưng ở một mức độ sâu sắc hơn, chúng liên quan đến nhau và là hai yếu tố trong một vấn đề chung. Nền kinh tế chỉ có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào than một khi có cuộc cải cách mạnh mẽ với chính sách độc quyền năng lượng".
Vì môi trường hóa… hại môi trường
Khi cuộc khủng hoảng toàn cầu dần qua, những đơn đặt hàng đang trở lại, tiếp sinh khí cho khu vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của Trung Quốc mà những nhà xuất khẩu này chủ yếu tập trung ở các tỉnh duyên hải miền nam. Họ đang háo hức thực hiện chúng cho kịp thời vụ cuối năm.
Khi đường về... thế giới bên kia cũng thiếu dầu! Cuộc khủng hoảng dầu diesel rộng khắp Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và giao thông bình thường mà còn tới cả những chuyến đi về thế giới bên kia. Tờ "Tin tức buổi tối Trùng Khánh" cho biết một công ty dịch vụ tang lễ tại thành phố trực thuộc trung ương này đã phải ngừng dịch vụ hỏa thiêu vào cuối tuần trước bởi không thể có đủ dầu diesel cần thiết cho lò hỏa táng! Sau khi báo chí đưa tin, công ty này đã hoạt động bình thường trở lại nhờ nguồn cung cấp dầu từ chi nhánh tại Trùng Khánh của tập đoàn dầu mỏ quốc gia Sinopec. Một nhân viên Sinopec cho biết lãnh đạo tập đoàn đã đọc được tin trên và yêu cầu chi nhánh tại Trùng Khánh giúp đỡ công ty dịch vụ tang lễ. |
Nhưng để đạt được mục tiêu giảm lượng khí thải mà chính phủ trung ương áp đặt, các quan chức địa phương đang hầu như buộc phải đóng cửa các nhà máy điện khu vực (bị cho là gây ra 70% lượng khí thải công nghiệp) và chỉ cung cấp điện dè sẻn cho các SME. Không còn sự lựa chọn nào khác, các SME buộc phải lắp đặt các máy phát điện chạy dầu diesel mà các máy này còn gây ô nhiễm nhiều hơn các nhà máy điện!
Và thế là cơn khát dầu diesel xuất hiện. Tính đến cuối tuần qua, ít nhất 2.000 trạm bán dầu sở hữu tư nhân ở các tỉnh miền nam Trung Quốc đã phải đóng cửa trong khi nhiều trạm còn lại, kể cả các trạm sở hữu nhà nước có nguồn cung tốt, bắt đầu hạn chế chỉ bán từ 100-400 NDT cho mỗi xe. Cơn khát lan sang nhiều nơi khác ở miền bắc Trung Quốc. Nhiều tài xế xe tải ở Hohhot (khu tự trị Nội Mông) than phiền rằng họ phải "lót tay" 50 NDT cho các trạm xăng dầu để được mua đầy bình.
Sốt than làm mọi chuyện tồi tệ hơn. Ở khu vực miền bắc sản xuất than, một cuộc ganh đua giành giật nguồn hàng đang diễn ra gay gắt mà nhiều nhà máy điện phải tung các "tướng" lãnh đạo hàng đầu của mình vào cuộc. Họ đang cố gom được càng nhiều càng tốt để chuẩn bị cho một mùa đông được dự báo là "1.000 năm có một", lạnh nhất tại Trung Quốc . Khó mà biết mặt hàng này có thiếu cung hay không. Nhưng cạnh tranh mua thì gay gắt quá rõ, thể hiện qua giá tăng chóng mặt. Đầu tháng 11/2010, giá nhiều loại than nội ở tỉnh Sơn Tây đã tăng 30-50 NDT/tấn mà đỉnh điểm lên tới 750 NDT/tấn, mức cao kỷ lục kể từ hồi đầu năm.
Dù một cuộc "Cách mạng Xanh" trong công nghiệp đang được hô hào mạnh mẽ, Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào than. Năm ngoái, than chiếm 71% tổng sản lượng năng lượng quốc gia này còn dầu chỉ chiếm 18%, thủy điện chiếm 6%, khí đốt tự nhiên chiếm 4% còn năng lượng hạt nhân vẻn vẹn 1%. Trong khi đó, ở các nền kinh tế lớn khác trên thế giới, than chỉ chiếm khoảng 20-30% mà thôi.
Trung Sơn (P/v TTXVN tại Hồng Công)