Động thái trên cho thấy Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc dường như đang tập trung vào vô hiệu hoá một vũ khí chủ lực của Hải quân Mỹ.
Trang USNI của Viện Hải quân Mỹ đưa tin những hình ảnh vệ tinh mới cho thấy các mục tiêu phóng tên lửa có hình dạng như tàu sân bay và tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke của Mỹ xuất hiện tại cơ sở thử vũ khí ở Tân Cương.
Cả hai loại tàu trên đều đang được Hạm đội 7 của Mỹ triển khai, làm nhiệm vụ tuần tra Tây Thái Bình Dương, trong đó có cả vùng biển xung quanh Đài Loan/Trung Quốc.
Những hình ảnh này do công ty Maxar Technologies của Mỹ sở hữu khoảng 80 vệ tinh trên quỹ đạo chụp lại hồi tháng 10.
Tiết lộ với tờ Bloomberg ngày 8/11, Maxar cho hay bãi thử vũ khí nằm trên sa mạc Taklamakan này còn có hai mục tiêu hình tam giác dài khoảng 75 mét gắn trên đường ray chuyển động.
Việc cơ sở này hiển hiện rõ với các vệ tinh được giới quan sát đánh giá là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang muốn phô diễn sức mạnh của lực lượng tên lửa với Washington.
Ngày 8/11 tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân cho biết ông chưa nắm được thông tin về những hình ảnh vệ tinh kể trên.
Tháng 8 năm ngoái, quân đội Trung Quốc đã thực hiện một vụ phóng thử phối hợp tên lửa DF-21D được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay" vào Biển Đông. Cựu lãnh đạo Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Phil Davidson sau đó đánh giá động thái này là một "thông điệp không thể nhầm lẫn” của Bắc Kinh.
Tên lửa DF-21D chính là trọng tâm trong chiến lược răn đe quân sự của Trung Quốc ngoài khơi bờ biển phía Đông bằng cách đe dọa phá hủy sức mạnh quân sự của Mỹ trong khu vực, cụ thể là các nhóm tác chiến tàu sân bay.
Hồi tháng 1/2011, người đứng đầu Cục Tình báo Hải quân Jack Dorsett nói với các phóng viên rằng Lầu Năm Góc đã đánh giá thấp tốc độ Bắc Kinh phát triển và trang bị cho DF-21D.