Hãng thông tấn AFP (Pháp) cho biết một trục trặc trên ứng dụng đã xếp Zhuang Zhenhua vào diện giao hàng chậm và anh tự động bị trừ thu nhập. Zhuang Zhenhua nói rằng các ứng dụng công nghệ giao hàng đang “bóc lột” hàng triệu người lao động như anh khi ngành này bùng nổ.
Giới chức Trung Quốc đã ra tay và yêu cầu các công ty vận hành ứng dụng như Meituan và Alibaba bảo vệ cơ bản người lao động với bảo hiểm, bồi thường hợp lý và loại bỏ các thuật toán khiến người lái xe giao hàng với tốc độ nguy hiểm.
Nhưng hàng chục người giao hàng chia sẻ với AFP rằng không có nhiều thay đổi. Zhuang Zhenhua nói cách duy nhất để hoàn thiện giao hàng đúng giờ là “đi thật nhanh, vượt đèn đỏ, đi sai làn đường”. Anh giải thích: “Ban đầu, ứng dụng quy định 40-50 phút để hoàn thiện một đơn giao hàng trong phạm vi 2 km, nhưng nay cùng với khoảng cách này, thời gian chỉ còn lại 30 phút”.
Việc rút ngắn thời gian giao hàng dẫn đến ngày càng nhiều vụ tai nạn đối với các tài xế trong những năm gần đây. Trên thế giới, lĩnh vực ứng dụng công nghệ giao hàng đang đối mặt với quản lý chặt chẽ hơn do đối xử không tốt với người lao động bởi họ nhận mức lương thấp, không được hưởng nhiều quyền lợi.
Tình cảnh khó khăn của những tài xế ứng dụng công nghệ khiến dư luận Trung Quốc chú ý sau khi thân nhân của một lao động tử vong khi giao thực phẩm cho ứng dụng Ele.me ở Bắc Kinh chỉ nhận được bồi thường vô cùng ít ỏi. Một tài xế khác đã tự thiêu sau tranh cãi với công ty về thù lao.
Anh Zhuang cho biết nhiều tài xế cảm thấy họ đang đặt cược với mạng sống của bản thân bởi các thuật toán mà ứng dụng vận hành để tính quãng đường và thời gian di chuyển và thường phạt tài xế nếu giao chậm.
Meituan, ứng dụng có trên 628 triệu người sử dụng, cho biết công ty đưa ra quyết định dựa trên “cân nhắc an toàn của tài xế và luôn đáp ứng nhu cầu của khách hàng”, bên cạnh đó, tài xế có thể phản hồi về những mức phạt không công bằng.
Trong tháng 10, Meituan cho biết sẽ tối ưu hóa “chiến lược thuật toán” và chi trả trợ cấp nhiều hơn giúp tài xế tránh tình trạng làm việc nguy hiểm.
Dịch COVID-19 khiến nhu cầu đặt thức ăn qua ứng dụng tăng vọt và lĩnh vực này đang đạt giá trị 664 tỷ nhân dân tệ (100 tỷ USD). Hiện tại, có 200 triệu người Trung Quốc, chiếm 1/4 lực lượng lao động nước này, làm việc trong nền kinh tế tạm thời và bán thời gian.