Trang Bloomberg dẫn thông báo của cơ quan y tế địa phương cho biết theo tiêu chí này, những người dù chỉ tình cờ ở cùng khu vực với người bị phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2 trong phạm vi 1km, cũng có thể cần xét nghiệm hoặc thậm chí phải cách ly.
“Sự trùng khớp về không gian – thời gian” (spacial-temporal overlap), một thuật ngữ được các quan chức Trung Quốc thường xuyên đề cập, coi “tiếp xúc gần” không chỉ là tiếp xúc trực tiếp với trường hợp mắc COVID-19, mà cả những người sống trong cùng một khu vực với người nhiễm bệnh.
Trong suốt đại dịch, Trung Quốc đã xác định những người tiếp xúc gần với F0 thông qua giám sát điện thoại di động, song giới chức dường như đang mở rộng các tiêu chí để xác định trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao, trong bối cảnh biến thể Delta nguy hiểm hơn lây lan mạnh mẽ.
Tuy nhiên, định nghĩa “trùng hợp không gian - thời gian” ở mỗi tỉnh thành là khác nhau. Ở thành phố Thành Đô, một người được xác định là “tiếp xúc gần” với F0 nếu đáp ứng 2 tiêu chí. Thứ nhất, điện thoại di động của người đó ở trong phạm vi 800m2 với điện thoại của người mắc bệnh trong hơn 10 phút. Thứ 2, nếu điện thoại của 1 trong 2 người ở thành phố hơn 30 giờ trong 14 ngày gần nhất, thì cả hai sẽ được coi là “tiếp xúc tiềm năng”, CCTV dẫn lời các quan chức y tế địa phương đưa tin.
Cảnh sát đã phát hiện 82.000 người có nguy cơ mắc bệnh nhờ sử dụng phương pháp xác định các trường hợp tiếp xúc gần mới này.
Ủy ban y tế Bắc Kinh trước đó đã khuyến cáo người dân không quay trở lại thủ đô nếu họ ở cùng không gian và thời gian với bất kỳ bệnh nhân nào COVID-19 nào theo các tiêu chí mới. Những người đã trở về được yêu cầu tự cách ly tại nhà ngay lập tức và báo cáo tình trạng của họ cho cơ sở lưu trú.
Tuy nhiên, quy định này đã làm dấy lên nhiều tranh luận trên mạng xã hội. Một số người phàn nàn vì họ bị mắc kẹt ở các thành phố khác.
Ở phía nam tỉnh Hồ Nam, định nghĩa này thậm chí còn rộng hơn. Nếu ai đó giao tiếp với người bị nhiễm bệnh, cho dù đó là giao tiếp trực tiếp hay đơn giản là qua các phương tiện truyền thông, người đó cũng có thể được xác định là người có tiếp xúc gần với F0 về mặt không gian và thời gian.
Giới chức ở Phúc Kiến, một tỉnh ven biển phía nam Trung Quốc, đã sử dụng tiêu chí mới để thay đổi mã sức khỏe điện tử của một số người thành màu vàng bắt đầu từ tháng 9. Những người này được xác định là có nguy cơ bị nhiễm bệnh và sẽ phải hạn chế đi lại.
Dù nhiều quốc gia trên thế giới đã từ bỏ cách tiếp cận “Zero COVID-19”, chuyển sang giai đoạn sống chung với dịch bệnh, Trung Quốc vẫn kiên quyết theo đuổi chiến lược này. Nước này đã cam kết ngăn virus lây lan từng bước một và đang thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn, bao gồm đóng cửa trường học, địa điểm giải trí và dừng hoạt động một số phương tiện giao thông công cộng.
Hôm 8/11, Trung Quốc ghi nhận 99 ca nhiễm mới lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó có 34 ca không triệu chứng. Trong đợt bùng dịch mới nhất, nước này đã ghi nhận gần 1.000 trường hợp mắc COVID-19, con số này được cho là vẫn thấp hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới. Đợt dịch mới nhất đã lan rộng ra 20 trong số 31 tỉnh thành của Trung Quốc. Đây là đợt bùng phát lớn nhất kể từ lần đầu tiên nước này ghi nhận ca mắc ở thành phố Vũ Hán năm 2019.
Cho đến nay, thành công của Trung Quốc trong việc đối phó với COVID-19 vẫn là một niềm đáng tự hào. So với những quốc gia khác trên thế giới, số ca mắc và tử vong của nước này vẫn thấp hơn đáng kể. Các chuyên gia tin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận không khoan nhượng với COVID-19 trong tương lai gần, đặc biệt là khi Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 2/2022.