Trang Bloomberg dẫn báo cáo của Trung tâm Tài chính và Phát triển Xanh thuộc Đại học Phúc Đán (Thượng Hải) đưa tin, 68 quốc gia nghèo nhất thế giới sẽ phải thanh toán khoản nợ trị giá 52,8 tỷ USD trong năm nay. Báo cáo ước tính hơn 1/4 khoản nợ này sẽ được chuyển cho Trung Quốc, vì Bắc Kinh là một trong những chủ nợ lớn nhất của các quốc gia đang phát triển.
Theo báo cáo, vào cuối năm 2020, 68 quốc gia đang phát triển này cùng nợ các bên cho vay khác nhau của Trung Quốc khoảng 110 tỷ USD trong khoản nợ song phương chính thức. Trong năm 2019, khoản nợ này là 105 tỷ USD. Trung Quốc hiện là chủ nợ đơn lẻ lớn nhất sau Hiệp hội Phát triển Quốc tế của Ngân hàng Thế giới.
Chi phí trả nợ cho Trung Quốc sẽ vượt 2% tổng thu nhập quốc dân ở 8 quốc gia vào năm 2022. Angola chịu thiệt hại nặng nề nhất, khi phải trả cho Trung Quốc gần 5% thu nhập quốc dân tiền lãi và khoản nợ gốc của các khoản vay trước đó.
“Do Trung Quốc là chủ nợ chính của các quốc gia đủ điều kiện được xoá nợ, nước này cần có trách nhiệm cung cấp hỗ trợ song phương và đa phương cho việc tái cơ cấu nợ hơn các quốc gia khác”, nhà phân tích Yue Mengdi và Christoph Nedopil Wang cho biết trong báo cáo.
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng mặc dù Bắc Kinh đã nỗ lực tham gia vào việc xóa nợ, các bên cho vay quốc tế khác cần minh bạch và rõ ràng hơn về tổng quy mô cho vay của Trung Quốc.
Vào cuối năm 2020, Chính phủ Trung Quốc cho biết họ đã tạm hoãn yêu cầu thanh toán đối với khoản nợ hơn 2 tỷ USD nhằm giúp các quốc gia nghèo hơn vượt qua đại dịch. Tuy nhiên, sáng kiến này đã hết hiệu lực từ tháng 12/2021. Theo báo cáo cuối năm 2021 của Jubilee Debt Campaign, tổng cộng các nhà cho vay Trung Quốc đã hoãn khoản nợ lên tới tổng cộng 5,7 tỷ USD.