Trong tháng 6, tại thành phố An Khánh, tỉnh An Huy đã xảy ra vụ việc một người đàn ông dùng dao đâm người đi bộ khiến 6 nạn nhân tử vong và 14 người khác bị thương. Cảnh sát đã nhanh chóng đến hiện trường và bắt giữ nghi phạm, một thanh niên 25 tuổi thất nghiệp đang tìm cách trút giận vì các vấn đề gia đình và do bi quan.
Đây là vụ việc mới nhất trong nhiều trường hợp tấn công bằng dao tại nơi công cộng ở Trung Quốc trong những tháng gần đây. Dao đã trở thành vũ khí phổ biến nhất mà những kẻ tấn công tại Trung Quốc sử dụng.
Trong tháng 4, một người đàn ông đã đột nhập vào trường mẫu giáo tại miền Nam Trung Quốc và dùng dao sát hại 2 em nhỏ, làm 14 học sinh và 2 giáo viên bị thương. Cảnh sát cho biết nghi phạm có tiền sử tâm thần phân liệt.
Tháng 12/2020, một vụ tấn công bằng dao hàng loạt khác xảy ra ở thành phố nhỏ thuộc tỉnh Liêu Ninh khiến 7 người thiệt mạng và 7 người bị thương. Truyền thông địa phương đưa tin thủ phạm 62 tuổi đã tự cô lập sau khi ly dị và con trai qua đời, và đã thực hiện vụ tấn công để thể hiện sự bất mãn với xã hội.
Những vụ việc này đã gây chú ý đặc biệt tại Trung Quốc, nơi có tỷ lệ phạm tội tương đối thấp. Ngân hàng Thế giới (WB) đã trích dữ liệu của Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và tội phạm quốc tế trong năm 2018 cho thấy có 0,5 vụ giết người/100.000 dân tại Trung Quốc, chỉ tương đương 1/10 tại Mỹ.
Không giống như Mỹ, bạo lực súng đạn hiếm khi xảy ra tại Trung Quốc bởi quy định sở hữu súng đạn tại đây vô cùng nghiêm ngặt. Pháp luật Trung Quốc cấm tư nhân sở hữu súng đạn và chính phủ nước này cũng đẩy mạnh chính sách liên quan đến súng đạn trái phép trong những năm gần đây.
Theo thống kê từ Bộ Công an Trung Quốc, chỉ có 58 vụ phạm tội liên quan đến súng xảy ra tại Trung Quốc năm 2017, giảm 82% so với năm 2012.
Các vụ tấn công bằng dao tại Trung Quốc cho thấy nguyên nhân là các vấn đề rộng hơn tồn tại trong xã hội nước này. Những kẻ tấn công thường mắc vấn đề về tâm thần và muốn trả thù.
Tại Trung Quốc, việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần vẫn khá hạn chế do thiếu nhân lực chuyên nghiệp. Ngoài ra, quan điểm kỳ thị của xã hội với các vấn đề rối loạn tâm thần cũng khiến những người mắc phải ngại ngần khi tìm kiếm sự giúp đỡ.