Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết nhiều ý kiến chỉ trích Trung Quốc giữ lại số mực chất lượng cao cho tiêu thụ nội địa trong khi lại xuất khẩu mực kém chất lượng lượng với giá cả cao, lấn át tàu đánh bắt của các quốc gia khác ở khu vực nhiều mực.
"Ra quân" quy mô lớn để đánh bắt mực
Theo thống kê của Chính phủ Trung Quốc, trong những năm gần đây, tàu của quốc gia này chiếm tới 50-70% số lượng tàu đánh bắt mực tại vùng biển quốc tế, kiểm soát phần nhiều nguồn cung của loại hải sản này.
Trên một tàu câu mực của Trung Quốc. Ảnh: SCMP |
Tiến sĩ Enric Sala tại Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ cho biết các dữ liệu chứng tỏ Trung Quốc đã đánh bắt tới 60% mực trong các vùng biển chung.
Chính phủ Trung Quốc cũng ra sức hỗ trợ các tàu câu mực. Hàng tuần, Chính phủ Trung Quốc thường gửi thông tin dự báo địa điểm, số lượng những đàn mực lớn tới các tàu đánh bắt của quốc gia này. Sở hữu hệ thống theo dõi mực lớn nhất trên thế giới, dự báo của Chính phủ Trung Quốc về đánh bắt loài này thường chính xác từ 70-90%.
Chính phủ Trung Quốc còn nhiệt tình cấp kinh phí cho các dự án nghiên cứu về mực. Ngoài ra, hành năm Bắc Kinh còn chi hàng tỷ nhân nhân tệ đóng tàu đánh bắt mực hiện đại và to hơn để hậu thuẫn ngư dân nước này.
Gây khó khăn cho hàng xóm Hàn Quốc
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), mỗi năm người dân Trung Quốc tiêu thụ hơn 2,7 tấn mực. Trên khắp thế giới, từ vùng Địa Trung Hải tới Mỹ và Nhật Bản, loài mực luôn đóng vai trò là món ăn phổ biến, giá thành hợp lý và có lợi cho sức khỏe.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ mực, mỗi năm có hàng nghìn tàu cá rẽ sóng khắp nơi để đánh bắt mực. Hiện nay các tàu đánh bắt vẫn chủ yếu áp dụng phương pháp câu cũ của Nhật Bản xuất hiện từ thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai. Theo phương pháp này, các tàu đánh bắt thường trang bị số lưỡi câu lớn kèm theo đèn để thu hút mực, và câu ở độ sâu 100 m dưới mặt nước biển. Trong những năm gần đây Trung Quốc cũng áp dụng triệt để phương pháp này.
Trong khi Trung Quốc đầu tư không ngừng cho việc đánh bắt triệt để mực thì tại Hàn Quốc, giá của loại hải sản này đã tăng tới 40% trong năm 2017. Ngư dân Hàn Quốc phàn nàn rằng tàu của Trung Quốc đã đánh bắt quá nhiều mực ở vùng Biển Hoa Đông khiến số lượng mực sụt giảm mạnh.
Ngư dân Hàn Quốc phơi mực mới được đánh bắt. Ảnh: SCMP |
Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) trong tháng 1 dẫn lời ngư dân Park Jung-gwi tại Sokcho cho biết: “Chúng tôi lùa mực bằng ánh đèn, sử dụng phương pháp cũ. Nhưng tàu Trung Quốc gần như quét sạch đáy biển”.
Ông Park Jung-gwi cũng khẳng định lợi nhuận của ông đã giảm mạnh 60% trong những năm gần đây vì cạnh tranh không lành mạnh của Trung Quốc. Khó khăn này đe dọa khả năng chi trả nhiên liệu để tàu củ ông Park Jung-gwi tiếp tục ra khơi đánh bắt.
Viện Hàng hải Hàn Quốc cho biết số lượng mực ngư dân quốc gia này đánh bắt từ năm 2003 đến 2017 đã giảm 48%, trong khi đó, lượng đánh bắt của Nhật Bản, một hàng xóm khác của Trung Quốc, cũng giảm tới 73% trong cùng khoảng thời gian.
Dưới đây là video về đánh bắt mực trên một tàu cá của Trung Quốc (nguồn: SCMP)
Xuất khẩu mực chất lượng thấp
Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế, mặc dù mức giá tăng tới 30% nhưng trong năm 2016 Mỹ vẫn nhập khẩu rất nhiều mực từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là theo trang mạng Undercurrent News (Anh) chuyên theo dõi thị trường đánh bắt hải sản quốc tế, giá mực tăng cao nhưng chất lượng lại tỉ lệ nghịch và đi xuống.
Mực Trung Quốc nhập khẩu đến Mỹ thường chứa từ 30-50% là nước, trong khi những năm trước đây con số này chỉ là 10%.
Undercurrent News dẫn lời một thương nhân cho biết: “Mực loại ngon thường đưa vào tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc còn loại kém chất lượng sẽ vận chuyển đến Mỹ”.
Ngoài ra, một thương nhân tại châu Âu cũng cho biết có nhiều khách hàng phàn nàn về chất lượng mực xuất khẩu ngày càng đi xuống của Trung Quốc.