Trung Quốc cáo buộc cách tiếp cận của Mỹ đối với thương mại sẽ tạo tiền lệ xấu

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 29/3 nói rằng cách tiếp cận của Mỹ trong vấn đề thương mại đã tạo tiền lệ xấu, có thể gây hiệu ứng domino và Mỹ phải thu rút lại hành động đơn phương, không phù hợp.

Phát ngôn viên Bộ Thương mại Gao Feng phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 24/8/2017. Ảnh: chinadaily.com.cn

Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng nói các biện pháp thương mại của Mỹ nhằm vào Trung Quốc là hành vi bảo hộ thương mại và cuộc điều tra của Mỹ theo Điều 301 (trong Đạo luật Thương mại ban hành năm 1974) nhằm vào Trung Quốc là vi phạm luật lệ quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Ông cho biết Trung Quốc hy vọng Mỹ có thể giải quyết xung đột thông qua đối thoại để đưa quan hệ thương mại song phương trở lại bình thường. Theo ông, Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp có thể để bảo vệ lợi ích quốc gia và tin tưởng vào khả năng ngăn chặn bất kỳ hành động bảo hộ đầu tư hay thương mại nào.

Điều khoản 301 cho phép Tổng thống Mỹ áp dụng mọi biện pháp phù hợp nếu có kết quả điều tra chỉ ra các hoạt động trao đổi thương mại với nước khác làm tổn hại tới thương mại quốc gia. Dựa theo kết quả một cuộc điều tra theo Điều khoản 301 mà chính quyền Mỹ đã tiến hành từ tháng 8/2017, ngày 22/3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký bản ghi nhớ cho phép đánh thuế các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá khoảng 60 tỷ USD, chủ yếu nhắm vào các lĩnh vực mà Mỹ cho rằng Trung Quốc đã "ăn cắp" công nghệ của Mỹ và hạn chế các hoạt động đầu tư từ Trung Quốc vào thị trường Mỹ.

Tân Hoa xã ngày 29/3 dẫn lời Chủ tịch Phòng Thương mại Trung Quốc tại Mỹ (CGCC), tổ chức phi lợi nhuận lớn nhất đại diện cho các doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ, ông Xu Chen nhận định rằng các biện pháp trừng phạt đơn phương không thể giải quyết được vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ trong khi ảnh hưởng đáng kể tới các doanh nghiệp và người tiêu dùng ở cả nước này và Trung Quốc.

Ông Xu Chen, đồng thời là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Ngân hàng Trung Quốc (BOC) chi nhánh tại Mỹ, đánh giá thâm hụt thương mại của Mỹ không chỉ được xác định bởi mức độ trao đổi thương mại Trung - Mỹ, mà là kết quả trực tiếp của cơ cấu kinh tế theo xu hướng nhu cầu trong nước.


Theo ông, nguyên nhân gốc rễ của thâm hụt thương mại tại Mỹ là do tỷ lệ tiêu dùng cao hơn tỷ lệ tiết kiệm. Ông Xu Chen cũng chỉ ra thâm hụt thương mại ở một mức độ nào đó cũng cần thiết cho đồng USD để giữ vai trò như một đồng tiền dự trữ toàn cầu có hiệu quả. Theo cơ quan điều hành SWIFT của Brussels (Bỉ), các giao dịch dựa trên đồng USD chiếm khoảng 40% thanh toán quốc tế.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng thặng dư thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ đang bị phóng đại quá mức và nói rằng tăng cường hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ có lợi cho cả hai nước cũng như thị trường toàn cầu.

L. Minh (TTXVN)
Sẽ không có 'kẻ thắng người thua' nếu xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
Sẽ không có 'kẻ thắng người thua' nếu xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã khẳng định như vậy tại cuộc họp báo ngày 20/3, sau phiên bế mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Trung Quốc khóa XIII diễn ra tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN