Trung Quốc đang hướng tới những cải cách toàn diện để duy trì tăng trưởng ổn định và củng cố vị thế nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - nội dung quan trọng trong “Giấc mơ Trung Hoa" được Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng cách đây một năm. Đây cũng là nội dung chính của kỳ họp thứ hai Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội - NPC) khóa XII đang diễn ra song song với Kỳ họp thứ hai Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân Trung Quốc (Chính Hiệp) khóa XII vừa bế mạc.
Bệ phóng tích cực
Trung Quốc đã kết thúc năm 2013 thành công khi tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng ổn định. Đây là nền tảng quan trọng để Trung Quốc bắt tay thực hiện các quyết định của Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII trong năm 2014 và hướng đến xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững.
Thủ tướng Lý Khắc Cường đọc báo cáo công tác của chính phủ tại kỳ họp Quốc hội ngày 5/3. Ảnh: THX/TTXVN |
Số liệu từ Tổng Cục thống kê Trung Quốc (NBS) cho thấy trong năm 2013, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã đạt mức tăng trưởng 7,7%, vượt mục tiêu 7,5% do chính phủ đề ra. Theo NBS, trong năm 2013, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đạt 56.880 tỷ Nhân dân tệ (NDT), tương đương 9.310 tỷ USD. Tuy vượt mục tiêu, song mức tăng GDP của Trung Quốc năm qua vẫn là mức thấp nhất kể từ năm 1999, bằng với GDP của năm 2012. Năm qua, Trung Quốc cũng tạo được hơn 10 triệu việc làm mới, trong khi lạm phát giữ ở mức 2,6%.
Thặng dư thương mại nước này trong năm vừa qua tăng 12,8%, đạt 259 tỷ USD, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Trong khi đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) (không bao gồm lĩnh vực tài chính) vào nước này đã phục hồi, tăng 5,3%, đạt tổng cộng 117,6 tỷ USD, sau khi giảm 3,7%, xuống 111,7 tỷ USD trong năm 2012, năm mà FDI vào Trung Quốc giảm lần đầu tiên trong 3 năm.
Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đến cuối năm 2013 đã đạt mức kỷ lục 3.820 tỷ USD, tăng 509,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, cho thấy dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã quay trở lại đà tăng trong năm qua, với mức tăng hàng quý lên tới 160 tỷ USD cho quý III và quý IV.
Năm 2013 được coi là “năm đầu của cải cách mới” ở Trung Quốc. Giám đốc NBS Mã Kiến Đường đánh giá, kinh tế Trung Quốc đã chứng tỏ một sự năng động đáng khích lệ trong năm 2013 khi tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng và tạo việc làm khả quan, trong khi lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.
Tiếp nối đà tăng trưởng
Những số liệu khả quan của năm ngoái là nền tảng để ban lãnh đạo Bắc Kinh cân nhắc tới các mục tiêu kinh tế cho năm nay. Tại Hội nghị Chính Hiệp vừa bế mạc, các đại biểu đã thẩm tra gần 5.900 đề án của các ủy viên Chính Hiệp, trong đó đa phần đưa ra ý kiến, kiến nghị liên quan đến các lĩnh vực tăng cường và cải thiện chính sách điều tiết vĩ mô, điều chỉnh kết cấu ngành nghề, bảo đảm và cải thiện an sinh, y tế, bảo hiểm xã hội, thúc đẩy xã hội ổn định, hài hòa... Hội nghị cũng nhấn mạnh công tác hiệp thương chính trị cần đi sâu nghiên cứu, điều tra, tích cực tham gia đóng góp ý kiến, kiến nghị, thúc đẩy dân chủ hiệp thương, tăng cường sáng tạo, góp phần xây dựng xã hội khá giả toàn diện.
Trong khi đó, tại Kỳ họp thứ hai của Quốc hội, các đại biểu Trung Quốc đã nhất trí với tư tưởng chủ đạo là tiếp tục chú trọng đi sâu cải cách mở cửa, kích thích thị trường và phát huy nội lực, thực hiện chính sách tài khóa tích cực và chính sách tiền tệ ổn định lành mạnh, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2014 là 7,5%, kiềm chế lạm phát ở mức 3,5%, tạo 10 triệu việc làm mới ở khu vực thành thị, tỉ lệ thất nghiệp giữ ở mức dưới 4,6%, tăng thu nhập hơn nữa cho người dân. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng đặt mục tiêu giữ thâm hụt ngân sách năm 2014 ở mức 1.350 tỷ NDT (tương đương 225 tỷ USD), cao hơn 150 tỷ NDT so với năm ngoái. Vấn đề hiện đại hóa nông nghiệp, cải cách nông thôn, giảm tỉ lệ hộ nghèo, đô thị hóa kiểu mới, đảm bảo và cải thiện an sinh xã hội, xây dựng môi trường sinh thái cũng là trọng điểm công tác của Chính phủ Trung Quốc trong năm 2014.
Thách thức phía trước
Tuy nhiên, những thách thức phía trước với các mục tiêu của Trung Quốc là không nhỏ. Trước tiên, đó là những rủi ro trong ngành tài chính, ngân hàng, công suất dư thừa do đầu tư quá mức, khó khăn trong quản lý vĩ mô, tiêu thụ nông sản và đầu tư cho nông nghiệp, việc xử lý ô nhiễm không khí, đất và nguồn nước cũng như các vấn đề nhà ở, việc làm, dịch vụ y tế, giáo dục, chăm sóc người già… Ngoài ra, các yếu tố như nhu cầu tiêu dùng giảm do khủng hoảng toàn cầu và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng ngoại thương của Trung Quốc. Thêm vào đó, không thể bỏ qua vấn nạn tham nhũng trong các cơ quan nhà nước, thủ tục hành chính quan liêu ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của chính quyền cũng như niềm tin của giới đầu tư nước ngoài.
Giới chuyên gia nhận định nền kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn quan trọng khi đối mặt với cải cách cơ cấu đòi hỏi chấp nhận những tổn hại, trong bối cảnh tăng trưởng chững lại trong giai đoạn phục hồi sau “bão” tài chính toàn cầu 2007 - 2009. Chính vì thế, năm 2014 - năm mở đầu thực hiện các quyết định của Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII, sẽ là một năm khó khăn đối với nước này khi thực thi chính sách “phát triển trong ổn định”.
Phương Hồ