Trung Quốc: Các lệnh phong tỏa hiện tại - mối đe dọa lớn hơn năm 2020 đối với lạm phát toàn cầu

Các nhà phân tích của công ty quản lý đầu tư Bernstein cho biết các vụ phong tỏa phòng dịch COVID-19 mới nhất của Trung Quốc đã trở thành nguy cơ lớn hơn đối với lạm phát toàn cầu so với giai đoạn những biện pháp tương tự được triển khai hồi năm 2020.

Chú thích ảnh
Chốt chặn được dựng trên một tuyến đường ở Thượng Hải, Trung Quốc khi lệnh phong tỏa phòng chống dịch COVID-19 được siết chặt, ngày 28/3/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Rủi ro lớn nhưng chưa thể định giá chính xác

Theo bản báo cáo của các chuyên gia này, điều đó là bởi thế giới đã trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào hàng hóa Trung Quốc kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Thị phần xuất khẩu của Trung Quốc trên toàn cầu đã tăng lên 15,4% vào năm 2021, cao nhất kể từ năm 2012 tới nay.  Hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc cũng đã tăng mạnh trong hai năm qua, do nước này có thể kiểm soát đợt bùng phát COVID-19 ban đầu trong vòng vài tuần và tiếp tục sản xuất, trong khi phần còn lại của thế giới khá chật vật tìm cách ngăn chặn dịch lan rộng. Trung Quốc đã duy trì chính sách “Zero COVID” nghiêm ngặt, còn các quốc gia khác đã nới lỏng nhiều biện pháp kiểm soát dịch trong năm ngoái.

Trong vài tuần qua, Trung Quốc đại lục đã đối mặt với làn sóng COVID-19 tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Lần này,  các lệnh đóng cửa và hạn chế đi lại của Chính phủ Trung Quốc được các lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài mô tả là khó khăn hơn so với đầu năm 2020. Các lệnh ở nhà và yêu cầu xét nghiệm đã ảnh hưởng đặc biệt đến các trung tâm kinh tế ven biển như Thượng Hải.

Báo cáo cho biết so với mức độ trước đại dịch, chi phí cho container xuất khẩu tại Thượng Hải đã cao gấp 5 lần và giá cước vận tải hàng không cao gấp 2 lần. Đồng thời, báo cáo lưu ý những căng thẳng tương tự về thời gian giao hàng của nhà cung cấp. Từ  đó, báo cáo nhận định ảnh hưởng của lạm phát sẽ lan rộng hơn, đặc biệt là sang các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc. Nhưng đồng thời, chúng cũng làm trì hoãn sự phục hồi nhu cầu của chính Trung Quốc.

Các chuyên gia của Bernstein lưu ý rằng ngoài ô tô, Trung Quốc là nhà sản xuất chính cho một loạt mặt hàng đang có nhu cầu lớn ở nước ngoài, như container, tàu thủy, đất hiếm và mô-đun pin năng lượng Mặt trời - cùng với phần lớn điện thoại di động và PC.

Bên cạnh đó, các nhà máy Trung Quốc không chỉ hoàn thành khâu lắp ráp cuối cùng cho các sản phẩm điện tử đó mà còn sản xuất các linh kiện như tấm nền LCD và mạch tích hợp. Hoạt động xuất khẩu các bộ phận đó cũng tăng trưởng nhanh hơn vào năm 2021.

Chuyên gia Jay Huang của Bernstein cho biết trong báo cáo rằng tác động vĩ mô của việc Trung Quốc tiến hành chính sách phong tỏa phòng dịch có thể khá cao, song đây cũng là một yếu tố thị trường chưa thể định giá được

Áp lực đối với thị trường ô tô

Chú thích ảnh
Công nhân làm việc trên dây chuyền sản xuất xe ô tô của liên doanh xe hơi Changan Ford Motor Co tại Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Trung Quốc là thị trường ô tô lớn nhất thế giới, cũng bắt đầu thúc đẩy phát triển và mua xe điện trong vài năm qua, chủ yếu thông qua chính sách trợ cấp. Các nhà sản xuất ô tô nước ngoài bị thu hút bởi thị trường này đã bắt đầu tung ra sản phẩm xe điện cho thị trường Trung Quốc trong vài năm gần đây.

Báo cáo của Bernstein cho biết Tesla, BMW và các nhà sản xuất ô tô khác đang tăng cường sản xuất xe điện ở Trung Quốc để xuất khẩu sang các nước khác. Khi tính cả ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, các nhà sản xuất ô tô nhà nước Trung Quốc như SAIC và Chery là những nhà xuất khẩu xe hơi cỡ nhỏ hàng đầu của nước này tính theo số lượng, đồng thời lưu ý doanh số bán ô tô do Trung Quốc sản xuất sang Chile, Ai Cập và Saudi Arabia đang tăng lên.

Cũng theo báo cáo của Bernstein, kể từ khi đại dịch bắt đầu, Trung Quốc đã trở thành một nhà sản xuất quan trọng trong ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt là trong chuỗi cung ứng xe điện.

Các nhà phân tích lưu ý xuất khẩu ô tô và linh kiện của nước này vào năm 2021 tăng trung bình 119% so với năm trước, vượt mức tăng trưởng 30% trong xuất khẩu chung của Trung Quốc. Báo cáo của Bernstein cũng cho biết quốc gia này chiếm khoảng 74% sản lượng pin xe điện toàn cầu.

Nhưng đợt dịch mới nhất tại Trung Quốc đã gây ra nhiều xáo trộn. Phản ánh sự gián đoạn chuỗi cung ứng, công ty sản xuất ô tô điện Nio của Trung Quốc đã thông báo ngừng sản xuất vào cuối tuần qua, trước khi nối lại một số hoạt động vào ngày 14/4. Nhà sản xuất ô tô Đức Volkswagen cho biết các nhà máy của họ ở ngoại ô Thượng Hải và ở tỉnh Cát Lâm, miền Bắc Trung Quốc vẫn đóng cửa cho đến ít nhất là ngày 14/4.

Trong khi báo cáo không thảo luận về tác động cụ thể của việc phong tỏa để chống COVID-19 đối với chuỗi cung ứng liên quan đến ô tô, các nhà phân tích đã chỉ ra một số nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc và Nhật Bản phải đối mặt với sự gián đoạn sản xuất vào năm 2020 khi đại dịch buộc Vũ Hán phải đóng cửa.

Các chuyên gia nhận định với mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát hiện nay ở Trung Quốc, chuỗi cung ứng đồ điện tử và ô tô sẽ bị gián đoạn đáng kể do nhà cung cấp phải tạm ngừng hoạt động, các cảng bị tắc nghẽn và chi phí đồng loạt tăng cao. Các yếu tố đó không chỉ tạo áp lực lên tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, vốn đã gặp khó khăn từ trước, mà còn gia tăng áp lực lạm phát lên các quốc gia nhập khẩu nhiều hàng hóa từ nước này.

H.Thủy/TTXVN (Tổng hợp)
Phong tỏa Thượng Hải ‘làm nóng’ xu thế mua thực phẩm tích trữ ở Trung Quốc
Phong tỏa Thượng Hải ‘làm nóng’ xu thế mua thực phẩm tích trữ ở Trung Quốc

Thông tin về thiếu hụt thực phẩm tại tại trung tâm thương mại của cả nước đã thúc đẩy tâm lý mua tích trữ đồ thiết yếu tại Trung Quốc đại lục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN