China Daily dẫn lời các chuyên gia cho biết các biện pháp mới gồm sự hỗ trợ toàn diện về chính sách và tài chính cho các cặp vợ chồng nhằm khuyến khích họ sinh thêm con. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội dân số Trung Quốc Viên Kim, các chính sách dân số mang tính toàn diện hơn sẽ được bổ sung vào kế hoạch 5 năm mới của nước này nhằm nâng cao tỷ lệ sinh, chất lượng lực lượng lao động và cấu trúc dân số.
Năm 1978, Trung Quốc đã ban hành chính sách "1 con" với lý do việc dân số tăng nhanh cản trở nỗ lực giảm thiểu nghèo đói và phát triển kinh tế, đặc biệt tại vùng nông thôn. Tuy nhiên, đến năm 2016, quốc gia đông dân nhất thế giới này đã nới lỏng chính sách trên, cho phép các cặp vợ chồng có 2 con nhằm giải quyết tình trạng giá hóa dân số nhanh và lực lượng lao động bị sụt giảm.
Theo thống kê của các nhà nhân khẩu học, tính đến cuối năm 2019, Trung Quốc có 254 triệu người trên 60 tuổi, chiếm tới 18,1% dân số và con số này được dự đoán tăng lên 300 triệu người và 400 triệu người lần lượt vào năm 2025 và 2035.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia dự báo với xu hướng hiện nay, lực lượng lao động Trung Quốc có thể mất đi 200 triệu người vào năm 2050. Dù chính phủ nước này đã nới lỏng chính sách "1 con", tỷ lệ trẻ được sinh ra hồi năm 2019 ở mức 10,48 trên mỗi 1.000 người, giảm so với mức 10,49 của trước đó và là mức thấp kỷ lục.
Tờ Legal Daily dẫn lời các chuyên gia chính phủ cho rằng các chính sách nhằm kìm hãm sự tăng trưởng dân số cần phải thay thế bằng một hệ thống gồm các biện pháp thúc đẩy tỷ lệ sinh. Ông Trịnh Hỏa Văn, chuyên gia của Viện khoa học xã hội Trung Quốc, cho biết nhằm chủ động đối phó với tình trạng già hóa dân số, Trung Quốc cần có biện pháp cấp bách để cải cách chính sách kế hoạch hóa gia đình và cho phép người dân sinh thêm con.