Trong thông báo, PBoC giảm lãi suất từ 2,85% xuống 2,75% đối với các khoản vay trong khuôn khổ cơ chế cho vay trung hạn (MLF) kỳ hạn một năm áp dụng với các tổ chức tài chính, qua đó "bơm" thêm 400 tỷ Nhân dân tệ (59,33 tỷ USD) vào thị trường.
Cơ chế MLF được Trung Quốc áp dụng từ năm 2014 để giúp các ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách duy trì thanh khoản bằng cách vay tiền từ ngân hàng trung ương thế chấp bằng cổ phần.
Ngoài ra, PBoC cũng giảm chi phí vay "bơm" 2 tỷ Nhân dân tệ vào thị trường thông qua các hợp đồng mua lại (repo) kỳ hạn 7 ngày, với việc giảm chi phí vay với biên độ tương tự, từ 2,1% xuống còn 2%.
Tháng 1 năm nay, PBoC đã điều chỉnh giảm cả 2 lãi suất trên khoảng 10 điểm cơ bản.
Các nhà kinh tế và nhà phân tích cho rằng giới chức Trung Quốc muốn hỗ trợ nền kinh tế bằng cách mở rộng khác biệt chính sách với các nền kinh tế lớn khác vốn đang tăng mạnh lãi suất.
Trước đó cùng ngày, Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố số liệu cho thấy sản lượng công nghiệp giá trị gia tăng, một trong những chỉ số kinh tế quan trọng, của nước này trong tháng 7 vừa qua tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn 0,38% so với tháng 6. Trong 7 tháng đầu năm 2022, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản lượng công nghiệp là chỉ số đo lường hoạt động của các doanh nghiệp có doanh thu hằng năm tối thiểu 20 triệu Nhân dân tệ (khoảng 2,97 triệu USD).
Cũng theo NBS, doanh thu bán lẻ - chỉ số quan trọng về tăng trưởng tiêu dùng - của Trung Quốc trong tháng 7.2022 đạt 3.590 tỷ Nhân dân tệ (532,6 tỷ USD), tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, doanh thu bán lẻ tháng 7 vừa qua tăng trưởng chậm so với mức tăng 3,1% ghi nhận trong tháng 6. Trong 7 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu bán lẻ hàng tiêu dùng của Trung Quốc đạt 24.630 tỷ Nhân dân tệ, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số liệu của NBS cũng cho thấy tỷ lệ thất nghiệp thành thị ở Trung Quốc tiếp tục giảm xuống còn 5,4% trong tháng 7, từ mức 5,5% trong tháng 6.
Ngoài ra, đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc trong tháng 7 tăng 0,16% so với tháng 6. Trong 7 tháng đầu năm 2022, đầu tư tài sản cố định đạt 31.980 tỷ Nhân dân tệ (4.740 tỷ USD), tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, đầu tư vào bất động sản của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm nay giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 7.950 tỷ Nhân dân tệ (1.180 tỷ USD). Theo NBS, giá nhà ở tại 70 thành phố lớn của Trung Quốc trong tháng 7 nhìn chung ổn định. Cụ thể, giá nhà mới xây tại 4 thành phố lớn gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và Quảng Châu tăng 0,3% so với tháng 6. Giá nhà mới tại các thành phố còn lại hầu như không tăng hoặc thậm chí giảm.