Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông và thách thức với Mỹ

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang xây dựng một đường băng và bến cảng tại bãi Chữ Thập trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Dường như đây là bước đi tiếp theo của Bắc Kinh nhằm đạt bằng được mục đích độc chiếm một vùng biển có diện tích tương đương với Ấn Độ.

Theo Guy Stitt, Chủ tịch Công ty tư vấn & phân tích Hải quân AMI International, việc tăng cường cải tạo đất tại các ghềnh đá ở Trường Sa là một phần trong nỗ lực bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông; từng bước củng cố tuyên bố chủ quyền theo “đường 9 đoạn”.

Trung Quốc đang có hoạt động cải tạo đất tại bãi Chữ Thập. Ảnh: Google Map


Các hoạt động làm thay đổi nguyên trạng này không chỉ ở Chữ Thập, mà còn diễn ra ở các bãi đá khác như Gạc Ma, Châu Viên, Ga Ven, Én Đất, Tư Nghĩa. Mục đích của việc xây dựng này là tạo lập các cơ sở, căn cứ quân sự, “được dùng để chống lại sự hiện diện của Mỹ ở Philippines” - theo đánh giá của giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia.

Một căn cứ không quân tại bãi Chữ Thập sẽ mang đến quyền kiểm soát quân sự trên thực tế của Trung Quốc đối với không phận trên Biển Đông, vì nó cho phép các máy bay chiến thuật tầm ngắn với vũ khí hạng nặng tác chiến được trên vùng trời này. Khi đó, hải quân Mỹ sẽ không chỉ đối mặt với hải quân, mà còn cả với không quân Trung Quốc - lực lượng có thể tác chiến nhờ vào “các tàu sân bay không bao giờ chìm”.

Theo giáo sư James Holmes thuộc Đại học chiến tranh Hải quân Mỹ (US NWC), với ưu thế này, quân đội Trung Quốc không cần phải xây dựng một lực lượng hải quân quy mô lớn như của Mỹ, mà vẫn giữ được vị thế áp đảo ở Đông Á. Sân bay và cảng quân sự ở Chữ Thập sẽ có giá trị tương ứng như căn cứ Diego Garcia của Mỹ ở Ấn Độ Dương. Nhưng khi được kết hợp với các đường băng sân bay trên đảo đá gần đó thì sức mạnh còn tăng lên nhiều. 

Chuyên gia hải quân Andrew Erickson thuộc US NWC nhận định, hoạt động cải tạo ghềnh đá, xây dựng các sân bay, bến cảng này sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với ổn định trên Biển Đông. Cũng theo một chiều hướng tương tự, học giả Hugh White, tác giả cuốn sách “Lựa chọn chính sách trước Trung Quốc - Tại sao Mỹ cần chia sẻ quyền lực” nhìn nhận: Những người ở Washington vốn nghĩ là Trung Quốc sẽ không thể thách thức Mỹ “cần xem xét lại cách đánh giá của họ và suy nghĩ nghiêm túc về cách thức đối phó”. Theo ông, không thể tiếp tục quan niệm rằng Bắc Kinh sẽ khuất phục trước sức mạnh quân sự của Washington, vì những ngày tháng đó đã qua lâu rồi. Mỹ cần có một “chính sách ngoại giao tinh tế hơn” để tránh “leo thang thù địch”.

Còn ông Stitt thì nói rằng, “yêu cầu đặt ra là Mỹ cần phải làm rõ lợi ích thực sự của mình tại châu Á – Thái Bình Dương và định ra những cấu thành không thể bỏ qua trong chiến lược châu Á... Một chính sách mập mờ của Mỹ - như đã thấy trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, sẽ là chỉ dấu để Trung Quốc khuếch đại các hành động ở Biển Đông”.


Hoài Thanh (Theo Defensenews.com)


Những toan tính mới của Trung Quốc ở Biển Đông
Những toan tính mới của Trung Quốc ở Biển Đông

Để cải thiện vị thế của mình trong bối cảnh hiện tại cũng như các cuộc đàm phán tương lai, trước hết Trung Quốc phải thay đổi nguyên trạng thông qua tất cả những biện pháp có thể.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN