Trọng trách nặng nề của Thủ tướng Nhật Bản

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đặt lên vai mình trọng trách nặng nề trong chuyến thăm Nga ngày 21-22/1 khi kỳ vọng tìm kiếm được giải pháp giải quyết vấn đề Hiệp ước hòa bình mà Moskva và Tokyo chưa thể ký kết được kể từ khi kết thúc chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp tại Singapore ngày 14/11/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN

Có thể nói, dàn xếp vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo mà Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, còn Nga gọi là Nam Kuril, đồng thời ký kết một hiệp ước hòa bình, là một trong những nhiệm vụ ưu tiên chính của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe năm 2019, năm thứ bảy cầm quyền của ông.

Đối với Thủ tướng Nhật Bản, giải quyết vấn đề căng thẳng ngoại giao dai dẳng này với Nga có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có thể  thúc đẩy vị thế chính trị ở trong nước của ông. Thủ tướng Abe hy vọng tại cuộc hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin trong chuyến thăm lần này, hai bên sẽ tìm được giải pháp giải quyết vấn đề Hiệp ước hòa bình làm hài lòng cả Tokyo lẫn Moskva.

Sự kỳ vọng của ông Abe không phải không có căn cứ, bởi trên thực tế, trong những năm gần đây, Nga và Nhật Bản không ngừng đẩy mạnh hợp tác toàn diện, nỗ lực xây dựng lòng tin với quyết tâm loại bỏ “hòn đá tảng” đang kìm hãm quan hệ song phương phát triển trong suốt hơn 70 năm qua. 

Không những duy trì đối thoại thường xuyên ở cấp cao nhất, thiết lập cơ chế đối thoại chiến lược "2 + 2" cấp bộ trưởng Ngoại giao và bộ trưởng Quốc phòng, Nga và Nhật Bản còn tích cực triển khai các dự án hợp tác kinh tế theo kế hoạch 8 điểm mà Thủ tướng Abe đưa ra hồi tháng 5/2016... Nhờ đó, hợp tác giữa Moskva và Tokyo, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng phát triển với tốc độ chưa từng thấy.

Theo số liệu thống kê sơ bộ, kết thúc năm 2018, kim ngạch thương mại song phương tăng khoảng 20% so với năm trước, đạt hơn 22 tỷ USD. Tổng mức đầu tư của Nhật Bản trong nền kinh tế Nga cũng đang gia tăng. Hai nước đang triển khai hơn 150 dự án hợp tác chung. 

Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực trong hợp tác song phương vẫn chưa đủ lớn để khỏa lấp bất đồng liên quan đến tranh chấp chủ quyền, cũng là trở ngại chính khiến Nga và Mỹ chưa thể ký được Hiệp ước hòa bình. Hiện lập trường của hai bên trong vấn đề này vẫn chưa có điểm chung, dù đã có những tín hiệu tích cực. Tokyo yêu cầu Moskva trao trả 4 hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp rồi mới đồng ý ký Hiệp ước hòa bình, trong khi Moskva cho rằng những hòn đảo này được sáp nhập vào Liên Xô theo các điều khoản của Tuyên bố Potsdam ngày 26/7/1945.

Tranh cãi này tưởng chừng như sắp đến hồi kết khi vào tháng 11/2018, Thủ tướng Abe và Tổng thống Putin đã nhất trí đẩy nhanh các cuộc đàm phán trên cơ sở một tuyên bố chung Nhật Bản - Liên Xô năm 1956, theo đó 2 hòn đảo nhỏ hơn trong nhóm này này có thể được trao trả cho Tokyo sau khi một hiệp ước hòa bình được ký kết. Tuy nhiên, những tuyên bố trái chiều của hai bên trước chuyến thăm của Thủ tướng Abe cho thấy Nga và Nhật Bản đang có quan điểm và cách tiếp cận khác nhau đối với việc triển khai thỏa thuận. Quan hệ hai bên cũng liên tục “nổi sóng” trong vài ngày nay, bất chấp cuộc tham vấn kéo dài nhiều giờ đồng hồ giữa Ngoại trưởng Nga và người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono hôm 14/1 vừa.

Cho tới nay, Nga vẫn khăng khăng rằng việc quay trở lại định dạng Tuyên bố chung năm 1956 trong đàm phán về hiệp ước hòa bình không có nghĩa là Nga “tự động" chuyển giao lãnh thổ của mình cho phía Nhật Bản. Moskva kiên quyết yêu cầu Tokyo công nhận toàn bộ kết quả Chiến tranh Thế giới thứ Hai, khẳng định chủ quyền của Nga đối với quần đảo tranh chấp được coi là vấn đề không thể đưa ra đàm phán.

Trong khi đó, ưu tiên của phía Nhật Bản là khôi phục chủ quyền đối với quần đảo tranh chấp này, trước hết là 2 hòn đảo mà Tokyo gọi là Habomai và Shikotan, còn Nga gọi là Khabomai và Shicotan, 2 hòn đảo có thể trở thành các đặc khu kinh tế trong tương lai. Một nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết Thủ tướng Abe sẵn sàng xem xét ký hiệp ước hòa bình với Nga nếu nhận được bảo đảm hai hòn đảo này sẽ được chuyển giao cho Nhật Bản. 

Mấu chốt của vấn đề nằm ở một thỏa thuận an ninh Nhật-Nga, theo đó quân đội Mỹ ở Nhật Bản có thể được đóng quân trên hai hòn đảo này nếu chúng được trao cho Nhật Bản. Khả năng quân đội Mỹ thiết lập căn cứ và triển khai vũ khí trên các đảo này là điều mà Nga lo ngại nhất. Bản thân việc Nhật Bản là đồng minh chiến lược của Mỹ, đối thủ chủ chốt của Nga, cũng khiến khả năng Moskva-Tokyo đạt thỏa hiệp trong vấn đề này trở nên đặc biệt khó khăn.

Hơn nữa, như nhận định của Tổng biên tập tạp chí “Nước Nga trong chính sách toàn cầu” Fyodor Lukyanov, việc từ bỏ chủ quyền đối với dù chỉ một phần nhỏ lãnh thổ là việc rất hiếm hoi đối với mọi quốc gia, với Nga nó còn đặc biệt khó hơn bởi các vấn đề đối nội. Vì vậy mà giới phân tích hoài nghi về khả năng đạt đột phá trong cuộc đàm phán cấp cao nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản tới Nga lần này. 

Bất chấp khó khăn và sự nhạy cảm của vấn đề, hiệp ước hòa bình này đáp ứng lợi ích quốc gia của cả hai nước, nên lãnh đạo Nga và Nhật Bản rõ ràng sẽ nỗ lực tìm kiếm một giải pháp cân bằng mà hai có thể chấp nhận được. Các cuộc tiếp xúc cấp cao liên tiếp giữa nguyên thủ hai nước thời gian qua nằm trong lộ trình đạt mục tiêu đó. Tuy nhiên, kết quả của những cuộc tiếp xúc này tới đâu, còn phụ thuộc vào tính toán chiến lược của cả Tổng thống Nga Vladimir Putin lẫn Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Dương Trí (Phóng viên TTXVN tại LB Nga)
Điện Kremlin: Cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Nhật Bản sẽ khó khăn
Điện Kremlin: Cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Nhật Bản sẽ khó khăn

Ngày 16/1, Điện Kremlin nhận định sẽ có những khó khăn trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe để thảo luận về một hiệp ước hòa bình giữa hai nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN